Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM tri ân người có công

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 25-7, Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị họp mặt người có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – liệt sĩ (27-7-1947/ 27-7-2023).


Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải trao quà cho người có công

Như một lẽ tự nhiên, truyền thống đoàn kết và biết ơn đã đưa nước ta bước qua những giai đoạn khốc liệt mà cũng hết sức đáng nhớ. Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc đã minh chứng cho sức mạnh một quốc gia bắt nguồn từ chính lòng yêu nước đơn giản mà nồng nàn, từ tinh thần gắn bó và hy sinh, từ nghĩa cử trận trọng và đáp đến những người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do. Họ không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, thương binh 2/4, Đại tá Quân đội nhân dân Nguyễn Văn Tàu, một chỉ huy giỏi và mưu trí, tham gia kháng chiến từ năm 1947 cho đến sau ngày hòa bình. Ông đã kinh qua nhiều vị trí công tác, trong đó nổi bật nhất là Cụm trưởng Cụm tình báo H63. Những ngày cuối cùng trước hòa bình, ông nhận nhiệm vụ Chính ủy Lữ đoàn đặc công biệt động 316. Ông cũng viết nhiều tập sách kể về đồng đội mình.

Là người đã dùng máu của mình viết lên tường xà lim của nhà tù Trung tâm Thẩm vấn Kiến Hòa hai câu thơ bất hủ: “Xương ta gãy để nối liền Nam Bắc/ Máu ta rơi cho bộ đội trưởng thành”,  Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, thương binh 2/4 Phan Thị Ngọc Tươi chia sẻ bà và đồng đội cầm súng không phải để được tuyên dương anh hùng, hay để hôm nay được tri ân. Mà bởi yêu nước, yêu quê hương, thương đồng bào mình bị giày xéo dưới gót giày xâm lược nên đã theo chân Bác, không tiếc máu xương, đứng lên đánh đuổi kẻ thù, góp phần giành độc lập tự do cho Tổ quốc.


Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trao quà đến Mẹ Việt Nam anh hùng

“Giờ đây là thương binh, chúng tôi tàn mà không phế. Trong hòa bình, xây dựng đất nước, chúng tôi tiếp tục cống hiến, học tập, làm việc hết mình, làm thay cả phần những đồng đội đã ngã xuống. Rất, rất nhiều tấm gương thương binh tiêu biểu đáng được vinh danh, học tập”, bà cho biết.   

Với tinh thần và mục tiêu “xây dựng và phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại”, cùng thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, bà nhiệt liệt hưởng ứng thực hiện, góp phần biến các chủ trương đó thành hiện thực.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó để lại vẫn còn đó. Những vết thương thể chất và tinh thần vẫn còn hằn trên thân thể của những người thương binh và gia đình của những liệt sĩ. Những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra giúp các thế hệ hiểu sâu sắc hơn những giá trị của hòa bình.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, tiếp nối truyền thống tốt đẹp nghìn đời của dân tộc Việt Nam, 76 năm qua, tại TP.HCM và cả nước phong trào "đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm.

TP đã vận động xây dựng Quỹ “đền ơn đáp nghĩa” được hơn 188 tỷ đồng góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách; đảm bảo 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ. Đặc biệt, riêng năm 2023, TP đã dành hơn 77 tỷ đồng dành tặng 73.434 người có công và thân nhân nhân.


Tại hội nghị, các thương binh giao lưu, chia sẻ những câu chuyện trong chiến trường

Cả hệ thống chính trị của TP đã vào cuộc cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng huy động từ rất nhiều nguồn lực khác nhau, chung sức đồng lòng xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin,  nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ; đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.

Để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu đạt được ông Dương Anh Đức đề nghị các sở, ban, ngành, 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công và thân nhân.

Toàn hệ thống chính trị bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực, thường xuyên, liên tục chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự của bản thân.

Ông đề nghị thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất kịp thời để có những điều chỉnh, bổ sung thích hợp trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Thường xuyên tổng kết thực tiễn, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân người có công với cách mạng đã nêu cao phẩm chất cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên trong công tác, chiến đấu, lao động và học tập, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công.

Ông đề nghị các cơ quan sở, ban, ngành TP, quận, huyện và TP.Thủ Đức cần tiếp tục phối hợp và nâng cao hơn nữa trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước, tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính rà soát và quan tâm giải quyết hồ sơ kịp thời để những người có công và gia đình họ được hưởng đầy đủ các chính sách đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM sẽ đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho độc lập, tự do, hòa bình hôm nay”.

N.Trinh

Bình luận (0)