Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM triển khai 13 đề án giáo dục đến năm 2030

Tạp Chí Giáo Dục

13 đề án giáo dục sẽ được TP.HCM triển khai từ nay đến năm 2030 – thông tin được nêu ra trong chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được UBND TP.HCM ban hành.


TP.HCM triển khai 13 đề án giáo dục đến năm 2030

Cụ thể, các đề án bao gồm:

– Đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2021-2030.

– Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành: công nghệ thông tin- truyền thông; cơ khí tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính – ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị giai đoạn 2020-2035 và đại học chia sẻ.

– Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2025.

– Đề án xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030.

– Đề án nâng cao năng lực, kiến thức kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021-2030.

– Đề án phổ cập ngoại ngữ cho người dân thành phố độ tuổi từ 18-35, giai đoạn 2021-2030.

– Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

– Đề án xây dựng cơ chế tự chủ hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo thực hiện tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2030.

– Đề án xây dựng một số chế độ chính sách đối với viên chức là giáo viên cấp tiểu học các môn tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay khi triển khai Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2023-2030.

– Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non TP.HCM giai đoạn 2014-2030.

– Đề án xã hội hóa phát triển lĩnh vực giáo dục giai đoạn 2023-2030.

– Đề án đào tạo bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phát triển năng lực, kỹ năng số cho cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên ngành giáo dục thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.

– Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước giai đoạn 2023-2030.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM hiện toàn thành phố có 1.617.436 học sinh và 77.409 giáo viên với quy mô 2.310 trường học. Trong đó, công lập là 1.350 trường, ngoài công lập là 960 trường. Số trường chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 14,85%.

Thành phố hiện có 57 cơ sở giáo dục đang thực hiện đề án trường tiên tiến hội nhập quốc tế; 1.791 cơ sở GDTX; 22 trung tâm GDNB-GDTX; 4 trường có phân hiệu GDTX; 724 trung tâm ngoại ngữ tin học; 94 đơn vị tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa, 512 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, 17 văn phòng đại diện, 26 trường mầm non và trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài; 310 trung tâm học tập cộng đồng; Có 51 cơ sở giáo dục đại học và ĐHQG TP.HCM trú đóng trên địa bàn cùng 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số lượng học sinh hàng năm tăng nhanh dẫn đến số trường và số phòng học chưa đủ để đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Chỉ tiêu về diện tích đất/học sinh không đủ định mức tối thiểu theo quy định. Nhiều trường có sĩ số học sinh các lớp cao, do đó việc triển khai giáo dục toàn diện, giáo dục lấy học sinh làm trung tâm gặp khó khăn.

Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với tình hình thực tiễn tại thành phố đã tạo ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, là rào cản ảnh hưởng đến phát triển của ngành; Chưa có các chế độ chính sách liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhằm động viên, khuyến khích ý thức bồi dưỡng nâng chuẩn.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)