Giáo dục STEM có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần hình thành phẩm chất năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Với riêng TP.HCM, giáo dục STEM còn là nền tảng để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.
Giáo dục STEM được xem là cầu nối giúp TP.HCM thực hiện hiệu quả, thực chất Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ảnh minh họa)
Dù là mô hình cần thiết và cấp bách, song trên thực tế việc triển khai giáo dục STEM trong trường học tại TP.HCM vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức về nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất.
Cán bộ, giáo viên hiểu mơ hồ về giáo dục STEM
Tại hội thảo khoa học “Giáo dục STEM trong bối cảnh phát triển thành phố thông minh và định hướng triển khai” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức mới đây, bà Lê Thị Xinh (Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức) thông tin, toàn TP.Thủ Đức có 58 trường tiểu học công lập với 89.106 học sinh, song hiện mới có 12 trường (chiếm 20,7%) triển khai dạy học STEM với hình thức phối hợp cùng đối tác triển khai ngoài giờ học với sự đồng thuận của phụ huynh. Nội dung chủ yếu là robotics, lắp ráp robot. Chính điều này gây ngộ nhận cho nhiều giáo viên và phụ huynh rằng STEM chỉ là robotics. Số trường đưa STEM vào giảng dạy trong giờ học chính khóa là 7 trường (chiếm 12%) qua việc lồng ghép trong tiết dạy, tích hợp môn toán, khoa học; song hình thức chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở dạy học tích hợp kiến thức của 2 lĩnh vực toán và khoa học, chưa có các chủ đề STEM cụ thể, gắn với thực tiễn. Trong khi đó, 39 trường còn lại (chiếm 67,3%) chưa tổ chức dạy STEM dưới bất kỳ hình thức nào.
Chia sẻ về thực trạng trên, bà Xinh cho hay, đặc thù TP.Thủ Đức rất đông dân nhập cư, số học sinh đầu cấp năm học sau luôn tăng cao hơn so với năm học trước, cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng việc dạy học 2 buổi/ngày, nhiều trường phải tận dụng phòng chức năng làm phòng học, hầu hết các trường đều không có phòng riêng để triển khai dạy học STEM. Cạnh đó, còn bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa hiểu rõ, hiểu mơ hồ về dạy học STEM, mục tiêu của STEM trong trường tiểu học. Dù đã được tập huấn về phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nhưng nhiều giáo viên còn nặng việc học sinh ghi nhớ kiến thức, chưa làm tốt việc giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tế. Đặc biệt, dạy học STEM đòi hỏi giáo viên phải có năng lực xác định và liên kết các kiến thức của lớp học/cấp học để xây dựng chủ đề dạy học, song năng lực này ở giáo viên chưa thực sự tốt. “Đặc biệt, giáo viên vốn đã quá quen với việc đánh giá học sinh theo định lượng, thường chỉ đánh giá dựa trên sự tái hiện lại kiến thức cũ một cách máy móc, chưa thực sự quan tâm đến đánh giá học sinh qua các hoạt động trên lớp”, bà Xinh cho biết.
Tương tự, kết quả khảo sát về hình thức áp dụng giáo dục STEM trong dạy học với 200 giáo viên tại TP.HCM được PGS.TS Bùi Văn Hồng (Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cùng cộng sự thực hiện cũng cho thấy phần nào bức tranh về thực trạng triển khai giáo dục STEM ở TP.HCM. Cụ thể, việc tổ chức dạy học các chủ đề STEM cho học sinh đa số thông qua Câu lạc bộ STEM Robotics, có sự kết hợp với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp giáo dục hoặc trung tâm giáo dục STEM (chiếm 46,66%); các khóa học hoặc chủ đề STEM trong giờ học chính khóa với sự hướng dẫn của giáo viên còn rất hạn chế (13,34%) so với hình thức áp dụng trong giờ học ngoại khóa (40%) với sự hỗ trợ của các trung tâm giáo dục STEM. Ngoài ra, khảo sát với 80 giáo viên công nghệ về khó khăn khi triển khai giáo dục STEM cho thấy: 85% giáo viên cho rằng khó khăn lớn nhất là việc lựa chọn chủ đề và thiết kế dạy học cho chủ đề STEM trong điều kiện lớp học quá đông; 65% gặp khó khăn từ chủ trương hỗ trợ và khuyến khích phát triển giáo dục STEM trong dạy học của lãnh đạo các trường; 55% gặp khó khăn về nội dung dạy học; 50% gặp khó khăn về kiểm tra đánh giá… Ông Hồng đánh giá, kết quả này cho thấy giáo viên chưa chủ động trong tổ chức dạy học chủ đề STEM cho học sinh và còn nhiều lúng túng khi áp dụng giáo dục STEM trong dạy học. Các chủ đề STEM giảng dạy cho học sinh chủ yếu là do các câu lạc bộ STEM hoặc trung tâm giáo dục STEM tổ chức, làm hạn chế việc lan tỏa giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục và ảnh hưởng đến việc phát triển năng lực dạy học STEM của giáo viên. “Việc phát triển chương trình bồi dưỡng năng lực dạy học STEM cho giáo viên là cần thiết khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bởi giáo dục STEM được thể hiện rõ trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn công nghệ. Giáo viên công nghệ còn có nhiều vai trò to lớn và là đối tượng cần được tiếp cận tập huấn sớm nhằm giúp giáo viên hiểu đúng và áp dụng được giáo dục STEM vào giảng dạy”, ông Hồng đề xuất.
Cấp bách triển khai mô hình giáo dục STEM tại TP.HCM
Theo TS. Nguyễn Thanh Nga (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), việc đẩy mạnh triển khai mô hình giáo dục STEM trong các trường phổ thông là cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là tại TP.HCM. Đối với giáo dục phổ thông, một trong những mục tiêu quan trọng được Bộ GD-ĐT đặt ra là “thực hiện giáo dục tích hợp, đặc biệt là giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM)”. Cụ thể, dự kiến đến năm 2025, có 50% và đến năm 2030 có 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến THPT có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM, kỹ năng số.
Tuy nhiên, TS. Nga chỉ rõ, hứng thú của học sinh trong những năm gần đây đối với các môn khoa học tự nhiên giảm sút thể hiện gián tiếp qua tỷ lệ học sinh THPT lựa chọn học chuyên nghiệp với các khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật có xu hướng giảm. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho sự phát triển của cả nước. Việc đẩy mạnh giáo dục STEM trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, đặc biệt là đối với TP.HCM. “Việc đón đầu tiếp cận và triển khai hiệu quả mô hình giáo dục này sẽ mang đến nhiều giá trị không chỉ trong giáo dục con người hiện tại mà còn là sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai. Cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có tỷ trọng khoảng 20% dành cho chương trình giáo dục địa phương. Vì vậy, TP.HCM kịp thời nghiên cứu và vận dụng mô hình giáo dục STEM đưa vào phát triển chương trình giáo dục địa phương thì sẽ là cơ hội phát triển các năng lực bậc cao của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Để việc triển khai giáo dục STEM đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội thì tất cả các yếu tố trong mô hình giáo dục STEM cần phải được quan tâm một cách đồng bộ như: Chú trọng tính khoa học trong việc xây dựng chương trình giáo dục; đầu tư nguồn lực thực hiện và tăng cường các chính sách khuyến khích, thúc đẩy chương trình giáo dục STEM trong thực tiễn”, TS. Nga gợi ý.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)