Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM: Trong 3 năm giảm gần 32.000 hộ nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa X, UBND TP.HCM đã có báo cáo về tình hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP.

Tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa X có báo cáo về Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021-2025

Cụ thể, năm 2023 TP thực hiện giảm 13.212 hộ nghèo, tỷ lệ kéo giảm là 0,52%, giảm 10.945 hộ cận nghèo, tỷ lệ kéo giảm là 0,43%.

TP tiếp tục duy trì không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia. TP còn lại 22.867 hộ nghèo, hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,90%/tổng hộ dân TP), trong đó có 8.293 hộ nghèo, với 31.699 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 0,33%/tổng hộ dân TP) và 14.574 hộ cận nghèo, với 59.554 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 0,57%/tổng hộ dân TP).

TP hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra “đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP” trước thời hạn 2 năm.

Qua hơn 3 năm (2021, 2022, 2023) thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, TP thực hiện giảm 31.964 hộ nghèo, tỷ lệ kéo giảm là 1,26% và giảm 22.340 hộ cận nghèo, tỷ lệ kéo giảm là 0,88%.

Bên cạnh đó, TP có 7 quận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều TP giai đoạn 2021-2025. Quận 5 hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Quận 3, Quận 7, Quận 10, Quận 11, quận Bình Tân, quận Phú Nhuận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo.

TP đã tổ chức phúc tra 2 quận, huyện gồm: quận Tân Phú và huyện Củ Chi hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều TP giai đoạn 2021-2025.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021-2025 phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của TP và đảm bảo theo quy định của pháp luật, UBND TP đề xuất HĐND TP ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND TP về Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021-2025.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến là 15.144 tỷ đồng, trong đó, bổ sung mới cho 2 năm cuối (2024, 2025) là 2.877 tỷ đồng.

Ngoài kinh phí huy động nguồn lực để thực hiện chương trình trong 2 năm cuối còn có nguồn vốn từ các chương trình cho vay của đoàn thể chính trị xã hội và các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM hỗ trợ cho đối tượng quản lý của các đơn vị.

Hồ Trinh

Bình luận (0)