Sở Tài chính TP.HCM cho biết, chỉ trong trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đấu giá cho thuê tài sản công để tổ chức căng tin, bếp ăn, bãi giữ xe… thì mới phải lập Đề án sử dụng tài sản công.
Ngày 26-8, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Trần Phú đã có hướng dẫn các sở, ban ngành TP; UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện về việc lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, Sở Tài chính TP.HCM thông tin, đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự tổ chức thực hiện hoặc đấu thầu lựa chọn các đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động phụ trợ (giữ xe, căng tin…) phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Trường hợp đơn vị thực hiện đấu giá cho thuê (tài sản công không sử dụng hết công suất và đáp ứng 8 yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) thì phải lập đề án; báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, hiện Sở Tài chính đã tiếp nhận và có ý kiến đối với 745/745 đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của đơn vị sự nghiệp công lập (đa số các đề án của các đơn vị đều nhằm mục đích làm căng tin, bãi giữ xe phục vụ nhu cầu của người dân khi sử dụng dịch vụ công và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… tại đơn vị), gửi về đơn vị để nghiên cứu thực hiện. Đến nay, có 5 đề án được UBND TP xem xét, phê duyệt.
Sở Tài chính đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (đơn vị đã lập đề án và nhận được ý kiến góp ý của Sở Tài chính) rà soát, tiếp tục thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện.
Trong đó, đối với trường hợp tự tổ chức thực hiện hoặc đấu thầu lựa chọn các đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động phụ trợ (giữ xe, căng tin…) phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, Sở Tài chính đề nghị đơn vị báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện, gửi về cơ quan quản lý cấp trên (các sở, ban, ngành, UBND các quận, quyện) tổng hợp, gửi về Sở Tài chính để theo dõi, tổng hợp và báo cáo UBND TP khi có yêu cầu.
Trường hợp tiếp tục thực hiện Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, đề nghị đơn vị căn cứ cơ sở pháp lý, Đề cương chi tiết khi xây dựng đề án của Sở Tài chính lập và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của Sở Tài chính để chỉnh lý, hoàn thiện đề án (cần nêu rõ nội dung nào tiếp thu và đã chỉnh sửa trong đề án; nội dung nào không tiếp thu, giải trình cụ thể lý do…); có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên xem xét, có ý kiến để trình UBND TP xem xét, quyết định.
Trước đó, tại Thông báo số 777/TB-VP ngày 15-8-2024 của Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Dũng tại cuộc họp nghe báo cáo về phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công trên địa bàn TP.HCM, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng đã chỉ đạo “Giao Sở Tài chính tổ chức, thực hiện rà soát, kiểm tra lại các đề án do các đơn vị sự nghiệp công lập đã gửi lấy ý kiến thẩm định của Sở Tài chính và Sở Tài chính đã có ý kiến góp ý thẩm định, nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa hoàn chỉnh đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Đồng thời, giao lãnh đạo Sở GD-ĐT chỉ đạo bộ phận chức năng phối hợp làm việc với bộ phận chức năng của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế TP, Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi, thống nhất nội dung triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT phối hợp lãnh đạo Sở Tài chính, các sở ban ngành liên quan, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức một buổi hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục và đào tạo để hiểu rõ cách thức, phương thức thực hiện, đảm bảo việc triển khai được thống nhất, hiệu quả và đúng quy định.
Về chỉ đạo này, tuần trước, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có buổi làm việc với các sở ngành liên quan để thống nhất hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động phụ trợ giáo dục như căng tin, bếp ăn bán trú, bãi giữ xe…. cho các trường công lập trên địa bàn TP thực hiện trong năm học mới.
Yến Hoa
Bình luận (0)