Tòa soạnThư đi – tin lại

TP.HCM: Trường nghề “hút” học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

HS các trường THCS trên địa bàn quận Tân Phú tham gia Ngày hội hướng nghiệp được tổ chức mới đây tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM

Những năm gần đây, ngành GD-ĐT TP.HCM đã có nhiều bước đột phá trong đổi mới công tác phân luồng, góp phần không nhỏ trong cách thay đổi suy nghĩ của phụ huynh và học sinh (HS) về con đường lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Vì thế, tỷ lệ HS rớt lớp 10 chọn con đường trong học nghề ngày càng cao.
TCCN tăng chỉ tiêu tuyển sinh
Nếu những năm 2005, 2006 quận Tân Phú chỉ có khoảng 200 HS sau THCS vào học TCCN, TC nghề thì nay đã có khoảng 700 HS. Hay ở quận 2 những năm gần đây đã liên kết với Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức để thu hút HS vào học nghề, năm học vừa qua quận có 85 HS không đủ điều kiện vào lớp 10 và 30 HS THPT nghỉ bỏ học vào học TCCN tại trường. Hay như quận Bình Thạnh những năm trước chỉ lác đác một vài HS rớt lớp 10 theo học TCCN thì “năm học 2013-2014 có 57 HS đăng ký tại Trường TC Nghề Bình Thạnh, đó là chưa kể hàng chục HS khác học ở các trường TCCN, CĐ nghề”, bà Nguyễn Việt Tú, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh cho biết.
Bên cạnh hệ thống trường TCCN, CĐ tuyển hệ TCCN do Sở GD-ĐT TP.HCM quản lý, thành phố còn đông đảo các trường TCCN hay hệ TCCN ở trường CĐ, ĐH do Bộ GD-ĐT hay Bộ LĐ-TB&XH quản lý cũng tuyển sinh. Ông Phạm Thái Sơn – Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho biết: “Năm học 2011, trường có 778 HS sau THCS vào học TCCN, năm 2012 tăng lên với tổng số 810 HS. HS đăng ký chương trình phân luồng của trường chủ yếu thuộc địa bàn quận Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình và Gò Vấp.
Số lượng HS tham gia học nghề ngày càng tăng, điều này lý giải cho việc tăng chỉ tiêu (CT) tuyển sinh HS sau THCS vào TCCN năm học 2014-2015. Theo CT tuyển sinh vào lớp 10 năm học mới này của Sở GD-ĐT TP.HCM, sẽ có 34 trường TCCN và hệ TCCN thuộc quản lý của Sở GD-ĐT tuyển gần 11.500 CT (tăng khoảng 1.000 CT so với năm học trước). Cụ thể: Trường TC Kinh tế Kỹ thuật tuyển 550 CT (tăng 350 CT), Trường TC Phương Nam tuyển 550 CT (tăng 300 CT), Trường TC Mai Linh tuyển 400 CT (tăng 50 CT), Trường TC Kỹ thuật và nghiệp vụ Sài Gòn tuyển 560 CT (tăng 120 CT), Trường TC Hồng Hà tuyển 300 CT (tăng 100 CT)… Đặc biệt, năm nay trên địa bàn quận Gò Vấp có thêm các trường TCCN tuyển sinh như Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn tuyển 400 CT, TC Âu Việt tuyển 250 CT, hệ TCCN của Trường CĐ Kinh tế Công nghệ Vạn Xuân tuyển 200 CT… Đó là chưa kể trên địa bàn TP.HCM còn có đông đảo hệ thống các trường TCCN, TC nghề, CĐ nghề tuyển sinh HS sau THCS thuộc quản lý của các ban ngành khác.
Xuống tận cơ sở dạy văn hóa, dạy nghề
Kết quả này không chỉ là nỗ lực riêng của ngành GD-ĐT thành phố mà còn có sự chung tay các đoàn thể, ban ngành. Ông Nguyễn Văn Linh – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp quận 6 – cho biết: “Nhiều năm nay, nhờ có sự kết hợp chặt chẽ giữa Phòng GD-ĐT và UBND quận trong việc chỉ đạo xuống các phường tổ chức hướng nghiệp cho HS sau THCS nên số lượng HS vào học nghề trên địa bàn quận không ngừng tăng. Đặc biệt, trên địa bàn quận có Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm – một trong những đơn vị thường xuyên phối hợp với Phòng GD-ĐT – tổ chức ngày hội tư vấn cho HS hay miễn giảm học phí, trao tặng suất học bổng cho các em sau THCS, giới thiệu việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp… đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi nhận thức của phụ huynh”.
HS sau THCS ở độ tuổi 15 nên phụ huynh thường khá lo lắng trong việc di chuyển của các em. Hiểu được tâm lý này, nhiều trường TC và CĐ đã mạnh dạn liên kết với trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp các quận huyện để đào tạo ngay tại chỗ cho HS. Bà Huỳnh Thị Linh Tâm (Chuyên viên Phòng Đào tạo, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho hay: “Từ năm 2012, nhà trường đã liên kết với Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp quận 12 để đào tạo hệ TCCN cho HS tốt nghiệp THCS với thời gian học là 3,5 năm. Thông thường, nhà trường cử giáo viên xuống trung tâm đào tạo trực tiếp cho các em. Thuận lợi trong việc đi lại, lại được hỗ trợ chi phí trong học tập nên số lượng HS rớt lớp 10 đăng ký vào học TCCN ở đây thường khoảng 80 đến 100 em”.
Ngoài mô hình này, hiện một số trường ĐH, CĐ tại TP.HCM đang đào tạo thí điểm chương trình 9+5 cũng thu hút quan tâm của nhiều phụ huynh. Dự kiến tuyển sinh hệ phân luồng sau trung học năm 2014 của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM là 500 CT. Theo đó, nhà trường sẽ xét tuyển HS tốt nghiệp THCS có hạnh kiểm từ khá trở lên. Ông Phạm Thái Sơn cho biết: “Tổng thời gian đào tạo là 5 năm với chương trình phân luồng học song song chương trình văn hóa THPT và CĐ nghề chính quy. Sau 3 năm học THPT, HS thi tốt nghiệp THPT theo chương trình trung tâm GDTX và 2 năm tiếp các em tiếp tục học chương trình CĐ nghề chính quy. Sau khi có bằng CĐ nghề, các em có thể thi hoặc liên thông vào ĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)