Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM: Trường ngoài công lập giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, tỷ lệ trường phổ thông ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM đã giảm mạnh, từ 11,74% trong năm 2017 xuống còn 1,77% năm 2021. Năm học 2020-2021, 151 cơ sở giáo dục mầm non giải thể, ngưng hoạt động…


Tỷ lệ trường ngoài công lập tại TP.HCM giảm mạnh do dịch Covid-19

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện đang gặp khó khăn về mặt pháp lý trong việc điều chỉnh quy hoạch đất dùng cho giáo dục nên công tác cấp phép thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2020, Thường trực UBND TP đã nhiều lần họp bàn nhưng chưa tìm được hướng tháo gỡ.

Năm 2017, tỷ lệ trường ngoài công lập tăng thêm là 11,74%, năm 2018 là 10,04%, năm 2019 là 6,22%. Đến năm 2020, tỷ lệ này là 3,03%, năm 2021 chỉ còn là 1,77%.

Trong 2 năm nay, số trường phổ thông (TH, THCS, THPT) ngoài công lập không tăng, chỉ tăng thêm một số ít cơ sở giáo dục mần non.

Do dịch bệnh kéo dài, hầu hết các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là cấp học mầm non. Chỉ trong năm học 2020-2021 đã có 151 cơ sở giáo dục mầm non (gồm 27 trường, 124 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập) đã giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học.

Sở GD-ĐT TP cũng nhận định, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống bao gồm cả ngành giáo dục đào tạo. Và là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trường học/vạn dân trong độ tuổi đi học trên địa bàn TP giảm mạnh. Chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, hiện nay hầu hết các công trình xây dựng, sữa chữa trường lớp đều đang chậm tiến độ, chắc chắn sẽ không kịp theo tiến độ ban đầu. Dự kiến, đến ngày 5-9, không có phòng học mới nào kịp đưa vào sử dụng.

Trước đó, thống kê của Sở GD-ĐT TP, dự kiến trong năm 2021, đưa vào sử dụng 51 dự án với 801 phòng học mới, tăng thêm 525 phòng học. Theo kế hoạch, dự kiến đưa vào sử dụng từ ngày 5-9 là 42 dự án với 591 phòng học, trong đó nhiều nhất là ở bậc tiểu học với 280 phòng, tăng thêm 168 phòng, THCS là 171 phòng tăng thêm 99 phòng, Mầm non là 125 phòng tăng thêm 53 phòng…

Từ sau ngày 5-9 đến hết tháng 12-2021 dự kiến tiếp tục đưa vào sử dụng là 9 dự án với 201 phòng học mới, trong đó tiểu học tăng thêm 53 phòng, THCS tăng thêm 77 phòng… Bậc Mầm non đưa vào sử dụng thêm 80 phòng, tăng thêm 60 phòng.

Các địa phương có số học sinh dự kiến tăng mạnh trong năm học 2021-2022 đều tăng mạnh về số phòng học mới đưa vào sử dụng, chủ yếu ở bậc tiểu học do số học sinh đầu cấp tăng mạnh và thực hiện việc dạy học 2 buổi/ ngày phục vụ chương trình GDPT 2018. Cụ thể, huyện Hóc Môn sẽ đưa vào sử dụng 181 phòng học mới, nhiều nhất ở bậc TH với 121 phòng, THCS là 45 phòng, MN 1 phòng; TP.Thủ Đức đưa vào sử dụng 30 phòng học mới; Q.Bình Tân đưa vào sử dụng 30 phòng học mới ở bậc TH…

Với tiến độ phòng học mới tăng mạnh trong năm học 2021-2022, Sở GD-ĐT TP khẳng định, năm học mới vẫn sẽ đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn TP có đủ chỗ học. Tuy vậy, sĩ số học sinh/lớp tại nhiều nơi vẫn rất cao, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ ngày chưa đạt như mong muốn, chưa thể đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Tính đến tháng 7-2021, TP mới đạt 293 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học từ 3-18 tuổi.

Năm học 2021-2022, dự kiến toàn TP có tổng số hơn 1,714 triệu học sinh, tăng khoảng 30.939 học sinh so với năm học trước. Nhìn chung, số học sinh tiếp tục tăng nhiều nhất là ở bậc TH, tập trung ở TP.Thủ Đức và 1 số quận, huyện như Q.12, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.

Năm học tới, số học sinh không có hộ khẩu tại TP.HCM là 373.624 học sinh, chiếm 22,2% số học sinh toàn TP. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp, giảm tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày; Co hẹp điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện; Tăng biên chế giáo viên, tăng nguồn chi ngân sách…

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)