Ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, tới đây trường học quảng cáo không đúng sự thật trên không gian mạng sẽ bị xử lý theo luật, thậm chí xử lý hình sự nếu gây ảnh hưởng lớn.
Thông tin được lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nêu ra tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục tại TP.HCM mới đây.
Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Hồi cho biết, sắp tới Sở Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành quy chế về việc quảng cáo, thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc trên không gian mạng. Theo đó với những thông tin này thì đơn vị sẽ bị xử lý theo luật, thậm chí xử lý hình sự nếu gây ảnh hưởng lớn
“Sở Thông tin đã có xử lý các nội dung quảng cáo không đúng sự thật trên không gian mạng đối với ngành y tế rồi. Tới đây sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khác, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ cùng với Sở GD-ĐT bàn quy chế phối hợp, từ đó Sở Thông tin và Truyền thông sẽ có chức năng xử lý trên không gian mạng đối với những thông tin quảng cáo trường học không đúng sự thật”- ông Hồi thông tin.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cảnh báo, đối với các đơn vị sai phạm trong việc quảng cáo không đúng sự thật thì ngoài bị xử lý theo quy định thì Sở Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh việc “truyền thông răn đe”. Do vậy, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục cần nghiêm túc thực hiện đúng, còn nếu không sẽ vừa vị xử lý, vừa bị truyền thông răn đe thì có thể sẽ mất luôn thương hiệu.
Ngược lại, cũng theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, những trường ngoài công lập thực sự tâm huyết, có những đóng góp cho giáo dục, xã hội thì sẽ được hỗ trợ truyền thông trên báo chí, trên mạng xã hội…
Sẽ rà soát lại trang truyền thông của các trường ngoài công lập
Ông Phạm Đăng Khoa- Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 thẳng thắn, với các đơn vị doanh nghiệp hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục thì cần phải rõ ràng trong quảng bá trường mình.
Quốc tế hay chỉ là đơn vị giáo dục tư thục, doanh nghiệp cần phải thực sự rõ ràng, từ trong tên gọi cho đến cách thức truyền thông, tránh để gây nhầm lẫn cho phụ huynh.
Việc các đơn vị sử dụng tên gọi nước ngoài, sử dụng giáo viên nước ngoài nếu không rõ ràng sẽ ảnh hưởng lớn đến giáo dục.
“Trong quá trình quản lý nhà nước thấy nhiều cơ sở còn quảng cáo chưa đúng. Ví dụ, công ty giáo dục quốc tế nhưng xin mở lớp mầm non tư thục bình thường, không có gì là yếu tố quốc tế. Bản thân phòng GD-ĐT cũng không thể nào nắm hết được để mà xử lý các sự việc từ trước mà chỉ có thể liên hệ với các đơn vị như Sở Thông tin truyền thông, Sở Giáo dục để tư vấn hố trợ ngành trong triển khai nhiệm vụ…”- ông Khoa nêu.
Sở GD-ĐT TP.HCM đã có kiến nghị Chính phủ, kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại Nghị định số 135/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đối với quy trình thành lập, chuyển địa điểm.
Theo Sở GD-ĐT, hiện tại các đơn vị doanh nghiệp giáo dục gặp nhiều khó khan khi một cơ sở giáo dục đã có giấy phép thành lập nhưng thực hiện chuyển địa điểm đi nơi khác thì cũng vẫn phải thực hiện quy trình như thành lập mới, rất phức tạp. |
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, hầu hết các trường ngoài công lập đều xứng đáng được tuyên dương vì những đóng góp của hệ thống ngoài công lập với giáo dục thành phố trong nhiều năm vừa qua.
Trên thực tế, năng lực của ngành giáo dục thành phố hệ thống trường công thì không đủ sức để làm phổ cập giáo dục mầm non. Hơn 60% cơ sở giáo dục mầm non toàn thành phố là của hệ thống ngoài công lập. Thành phố cũng có tới 94 trường liên cấp, trường phổ thông ngoài công lập “gánh” hơn 230.000 ngàn học sinh thành phố không có hộ khẩu TP.HCM.
“Thời gian vừa qua một số đơn vị có những thông tin không đúng như trên giấy phép thành lập. Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ thực hiện rà soát lại các trang truyền thông của các đơn vị ngoài công lập, tư thục… Để làm sao, khi cung cấp chất lượng dịch vụ thì làm đến đâu thì cần phải công bố thực chất, chứ không thể quảng bá sai…”
Yến Hoa
Bình luận (0)