Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

TP.HCM: Trường tư thục phải “gánh” 45% trẻ mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 1.7.2011, các trường mầm non (MN) công lập trên địa bàn TP.HCM chính thức phát đơn đăng ký tuyển sinh năm học 2011-2012. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh mới năm nay rất “nhỏ giọt”.
Ngành học MN TP.HCM năm nay tiếp tục căng thẳng chỗ học. Trong ảnh: Một trường mầm non ở quận 1
Khảo sát tại các trường MN công lập trên địa bàn quận, huyện cho thấy, có trường chỉ tuyển mới vài chục trẻ, trường hơn chục trẻ 3, 4 tuổi, thậm chí có trường không tuyển mới trẻ 3, 4 tuổi. Lý giải vấn đề này, lãnh đạo các trường cho biết, một phần để ưu tiên chỗ học cho trẻ 5 tuổi (sinh năm 2006) nhằm hoàn thành Đề án Phổ cập MN 5 tuổi của TP, thêm nữa do số trẻ các lớp học dưới dồn lên nên đã đủ chỗ học. Chẳng hạn, mỗi năm một trường có khoảng 3 lớp Lá ra trường với khoảng 100 em, trong khi số trẻ lớp Chồi năm học trước đến 4 lớp… cứ như vậy nên có trường chỉ tuyển 1-2 lớp nhà trẻ mà thôi, muốn tuyển thêm cũng không có chỗ học.
Chính vì vậy, nên nếu như năm học trước, hệ thống các trường MN công lập đảm bảo việc thu nhận gần 59% trẻ trên địa bàn thì hiện nay tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 55%. Do đó, 45% trẻ phải học ở các trường, nhóm lớp MN tư thục. Trong số này có nhiều trường có chất lượng nhưng cũng không ít nhóm lớp thiếu điều kiện chăm sóc trẻ, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mặc dù vậy, cũng không thể nào khác hơn được, trong khi hiện tại TP vẫn còn 12 phường, xã chưa có trường MN công lập. Các khu chế xuất và công nghiệp cũng chưa có trường MN phục vụ cho trẻ em là con của công nhân. Cho nên, năm nay hệ thống trường công buộc phải “nhờ” tư thục “gánh” 45% trẻ MN.
Đem câu hỏi phải chăng năm nay TP đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành chương trình Phổ cập MN 5 tuổi nên càng “rút” bớt số lượng trường lớp của trẻ 3, 4 tuổi, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD&ĐT nói: “Quan điểm của ngành giáo dục TP là dù quyết tâm thực hiện thành công Đề án Phổ cập MN 5 tuổi nhưng không để giảm trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và trẻ 3, 4 tuổi, phụ huynh không nên quá hoang mang về chỗ học của con trẻ”. Tuy nhiên, câu trả lời này khá mâu thuẫn. Bởi lẽ hệ thống trường lớp chỉ có vậy, nếu ưu tiên trẻ 5 tuổi thì buộc phải giảm (cũng có thể hiểu là đẩy bớt trẻ vào các nhóm lớp mầm non tư thục) ở trẻ 3, 4 tuổi (sinh năm 2007, 2008) là điều đương nhiên. Mặc dù vậy, lượng trường lớp công lập cũng chỉ đáp ứng 70% tổng số trẻ 5 tuổi, 30% trẻ còn lại phải học ở các trường tư thục.
Ông Đạt cũng nói thêm rằng trong năm học tới phải ưu tiên tối đa chỗ học cho trẻ 5 tuổi. Do đó, nếu đến năm học mới mà phụ huynh không đưa con ra lớp thì địa phương sẽ phối hợp với lực lượng công an và hội phụ nữ đến tận nhà vận động các cháu ra học. Thông báo tuyển sinh của các trường cũng ghi rõ, ưu tiên tất cả trẻ sinh năm 2006 tại địa bàn phường (của trường đang đóng), không xét tuyển.
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, để tránh xảy ra tình trạng phụ huynh phải xếp hàng chờ mua đơn xin học cho con, trong năm học này, các trường MN công lập sẽ không bán đơn mà phát rộng rãi, phụ huynh nào có nhu cầu thì phát. Sau đó, bộ phận tuyển sinh của trường tuyển lọc tuần tự theo quy định (chế độ ưu tiên về hộ khẩu, cha mẹ là cán bộ, viên chức…) đến khi nào đủ chỉ tiêu thì thôi. Công tác tuyển sinh phải công khai, minh bạch, niêm yết danh sách học sinh trúng tuyển vào cuối tháng 7.2011.

 Nghị định 31/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1.7.2011. Trong đó quy định: “… Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. UBND các cấp có kế hoạch và giải pháp thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; bảo đảm để mọi trẻ em 6 tuổi đều được vào học lớp một…”.
Theo Thùy Trang
(VanHoa)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)