Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM truy tặng danh hiệu cho 7 mẹ Việt Nam anh hùng

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 27-8, Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt 45, nhân Kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19-8-1945/ 19-8-2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945/ 2-9-2024).

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đến thân nhân các mẹ được truy tặng danh hiệu

Trong đợt này, TP.HCM có 7 mẹ được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đó là mẹ Đặng Thị Muội (huyện Nhà Bè), mẹ Nguyễn Thị Đến (quận Gò Vấp), mẹ Huỳnh Thị Nho và mẹ Nguyễn Thị Mười (huyện Hóc Môn), mẹ Trần Thị Đặng (quận 12), mẹ Lưu Thị Mứt (huyện Bình Chánh), mẹ Lê Thị Giọi (huyện Củ Chi).

Các mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đến thân nhân các mẹ được truy tặng danh hiệu.

Thay mặt gia đình, thân nhân các gia đình người có công, ông Huỳnh Công Thắng (cháu nội Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Đặng) gửi lời cám ơn đến Đảng, Nhà nước đã ghi nhận và truy tặng danh hiệu cao quý đối với những người mẹ đã chịu nhiều mất mát, hy sinh.

“Tôi chắc rằng các bà các mẹ nơi suối vàng sẽ mãn nguyện, ấm lòng với sự ghi công bằng danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là niềm tự hào của các gia đình có các mẹ được Đảng, Nhà nước vinh danh”, ông Thắng bày tỏ.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM gửi lời tri ân sâu sắc đến các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình các mẹ vì những hy sinh to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc tổ chức lễ truy tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng là niềm vinh dự không chỉ cho các gia đình mà cho từng địa phương và cả TP.

Bà Thúy xúc động chia sẻ, chiến tranh đã đi qua và đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, nhưng hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng người vợ và những người con mãi mãi không gặp lại những người thân yêu của mình. Trong sự mất mát, đau thương đó có sự hy sinh cao cả và thầm lặng của những người mẹ, người vợ liệt sĩ. Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì những nỗi đau và hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ ở hậu phương cũng lớn lao bội phần. Việc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của các mẹ.

Sự cống hiến, hy sinh của các mẹ là vô cùng cao quý, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta và mãi là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo.

Bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết, hiện nay, tại TP có 5.481 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 69 mẹ còn sống để chúng ta quan tâm chăm sóc và phụng dưỡng.

Khắc sâu đạo lý truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của TP phát triển với nhiều hoạt động thiết thực.

Để hỗ trợ các đối tượng chính sách có công giảm bớt khó khăn, ngoài việc thực hiện các chế độ trợ cấp do Trung ương quy định, HĐND TP ban hành Nghị quyết số 126/2016 về chế độ hỗ trợ đối với người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn TP.

Hàng tháng TP đã hỗ trợ cho các nhóm đối tượng, thương binh, bệnh binh có vết thương hoặc bệnh tật đặc biệt nặng và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn mức 2.000.000 đồng/tháng/người. Hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương cho mỗi mẹ Việt Nam anh hùng mức 2.000.000 đồng/tháng/mẹ.

Trên tinh thần đó, bà Thúy đề nghị cấp ủy, chính quyền, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt việc chăm sóc, động viên cũng như thường xuyên thăm nom, phụng dưỡng các mẹ còn sống và thân nhân các mẹ trên địa bàn.

“Đây là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh, tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng và cũng là dịp để chúng ta giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bà Thúy nhấn mạnh.

Hồ Trinh

Bình luận (0)