Không chỉ quận Gò Vấp, nhiều địa phương khác trên địa bàn TP.HCM cũng đang lúng túng khi dôi dư giáo viên tiếng Anh tiểu học cục bộ do thay đổi cách tính tiết nghĩa vụ từ năm học này.
Vì sao suốt thời gian dài TP.HCM cần tuyển dụng nhiều giáo viên tiếng Anh?
Từ năm 2012, TP.HCM triển khai đề án Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM, với việc thực hiện Quyết định số 448 của UBND TP. Chương trình giảng dạy tiếng Anh theo đề án này được gọi tắt là tiếng Anh đề án, với thời lượng 4 tiết/tuần, có hiệu lực đến hết năm 2020.
Để thực hiện đề án, UBND TP yêu cầu nhà trường phải có thêm số phòng học, đồng thời phải có gấp đôi số giáo viên dạy tiếng Anh. Trong đó, năm 2020 phải có 4.787 giáo viên tiếng Anh tiểu học.
Cũng theo đề án, để tăng thêm lực lượng giáo viên tiếng Anh, UBND TP nêu rõ giải pháp thông qua tuyển dụng; tăng thêm số lượng giáo viên bản ngữ đồng thời phải có chế độ chính sách phù hợp đặc thù, đãi ngộ số giáo viên tham gia giảng dạy tiếng Anh. Đặc biệt, UBND TP cho phép tăng biên chế giáo viên tiếng Anh là 2 giáo viên/lớp, và 1 lớp (dạy riêng tiếng Anh) bình quân là 20 học sinh/lớp. Cho phép ngành GD-ĐT được huy động giáo viên bản ngữ dạy tiếng Anh cho các trường trên địa bàn thành phố ở các ngành học, bậc học.
Trước đó, TP.HCM cũng đã triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường ở bậc tiểu học từ năm học 1998-1999.
Đến năm 2019, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 2769 về “Triển khai Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Quyết định số 2080/2017 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2025”. Từ năm 2020 cho đến nay, Quyết định 2769 đã thay thế cho Quyết định 448.
Khi đó, các loại hình dạy – học tiếng Anh trong trường tiểu học tại TP.HCM bao gồm: Tiếng Anh tăng cường (8 tiết/tuần); tiếng Anh đề án (4 tiết/tuần); Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam (8 tiết/tuần).
Để thực hiện đề án, từ năm 2012 Sở GD-ĐT TP.HCM quy định, đối với mô hình tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, 1 giáo viên tiếng Anh người Việt Nam phải cùng tham gia quản lý lớp học, đồng thời các tiết này được quy đổi thành tiết nghĩa vụ.
Theo trưởng phòng GD-ĐT nhiều quận, huyện, việc thực hiện các đề án và chú trọng giảng dạy tiếng Anh đã tạo ra đặc thù riêng cho thành phố, giúp chất lượng dạy và học tiếng Anh của TP.HCM luôn vượt xa mặt bằng chung của cả nước. Song song đó, để thực hiện tốt các chương trình đề án, suốt một thời gian dài thành phố liên tục tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, thậm chí có thời điểm “tuyển bao nhiêu cũng không đủ”.
“Để dạy 8 tiết/tuần, cho phép tuyển dụng giáo viên để đứng lớp cùng với giáo viên nước ngoài, bắt buộc nhà trường phải tuyển dụng giáo viên. Các chế độ chính sách thu hút giáo viên thời điểm đó cũng giúp nhiều nhà trường thu hút và giữ chân được giáo viên tiếng Anh” – một trưởng phòng cho hay.
Bỏ cách tính nghĩa vụ, cả quận dư đến 50% giáo viên tiếng Anh
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2024-2025, đối với bậc tiểu học, TP.HCM có các loại hình tiếng Anh sau: tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2 theo Chương trình GDPT 2018, thời lượng từ 2-8 tiết/tuần. Trong đó 2 tiết tự chọn theo quy định của Bộ GD-ĐT và 6 tiết tăng cường; với lớp 3, 4 thực hiện từ 4-8 tiết/tuần trong đó 4 tiết theo quy định của Bộ GD-ĐT và 4 tiết tăng cường. Bên cạnh còn có chương trình tích hợp (8 tiết/tuần).
Năm nay, đối với việc dạy học ngoại ngữ với người nước ngoài, TP.HCM đã bỏ quy định yêu cầu có giáo viên Việt Nam của trường tham gia đồng giảng, trợ giảng với người nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc không còn quy đổi các tiết đồng giảng với giáo viên người nước ngoài thành tiết nghĩa vụ khi giáo viên tham gia đứng lớp.
“Việc thay đổi này là đúng, vì năm nay Chương trình GDPT 2018 đã triển khai ở cả 5 khối lớp tiểu học và Quyết định 448 cũng đã không còn hiệu lực nữa” – ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp nói.
Theo tìm hiểu, việc thay đổi cách tính tiết nghĩa vụ với giáo viên tiếng Anh tiểu học trong năm học 2024-2025 đã dẫn đến tình trạng dư thừa cục bộ giáo viên tiếng Anh tiểu học ở nhiều địa phương tại TP.HCM do trước đó địa phương thực hiện tuyển dụng ồ ạt để có giáo viên tiếng Anh đảm bảo yêu cầu.
Đơn cử như tại Gò Vấp, số giáo viên tiếng Anh đang dôi dư từ 30-50%, mỗi trường dôi dư khoảng 50%. Để giải số dư này, ông Trịnh Vĩnh Thanh cho biết, quận có bố trí giáo viên tiếng Anh tiểu học đảm nhiệm dạy phổ cập, yêu cầu trường phân công công tác chủ nhiệm với giáo viên tiếng Anh, điều động một số thầy cô lên dạy bậc THCS.
Tại quận 1, hiệu trưởng một trường tiểu học cũng tính toán trường dư khoảng 5 giáo viên tiếng Anh trong năm học này và chưa biết phải phân công giáo viên thế nào cho phù hợp.
“Nhà trường xác định tiếng Anh là thế mạnh của học sinh, do vậy đang tính giải pháp để đảm bảo đủ tiết nghĩa vụ cho thầy cô cũng như giữ chân giáo viên”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học quận 7 cũng cho biết, nhiều giáo viên của trường cũng không đủ tiết nghĩa vụ khi thay đổi cách tính mới. “Nhà trường đang phân công thầy cô làm các nhiệm vụ khác như sinh hoạt CLB. Phải đảm bảo đủ tiết nghĩa vụ thì thầy cô mới hoàn thành nhiệm vụ để được hưởng NQ08”.
Yến Hoa
Bình luận (0)