UBND TP.HCM vừa công bố và đưa vào hoạt động Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế – xã hội và Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Tổng đài 1022. Đây được xem là nền tảng của việc xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.
Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Dữ liệu cần được cập nhật theo ngày
Nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng chính quyền số cần có định hướng dài hơi trong quá trình hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung. Muốn sử dụng được, kho dữ liệu cần xây dựng nhiều năm, cập nhật thường xuyên và có sự vận động nghiên cứu thực hiện dựa trên kinh nghiệm các TP thông minh trên thế giới.
Đại diện Sở Kế hoạch đầu tư kiến nghị, sắp tới để tiếp cận và điều hành các hệ thống hiệu quả, TP nên mời Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội tham gia. Khi có sự tích hợp các nguồn dữ liệu, gồm số liệu thương mại dịch vụ, công nghệ… thì trung tâm sẽ dự kiến được tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cuối năm, từ đó có cách điều hành thực tế hơn. Đây cũng là cơ sở để Sở Kế hoạch Đầu tư có những tham mưu hiệu quả cho UBND TP.
Ông Trần Đức Tài – Phó Giám đốc Công an TP.HCM – góp ý nên cập nhật dữ liệu theo ngày, tháng và địa bàn cụ thể, có sự nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình sắp tới để mọi quyết sách, điều hành của TP được chính xác, tránh các sai sót. Đồng thời hướng dẫn và xây dựng quy chế, trong đó quy định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức, đơn vị liên quan đến cung cấp dữ liệu. Quá trình thực hiện cần quan tâm bảo vệ an ninh mạng.
Đại diện UBND TP.Thủ Đức cho rằng, dữ liệu của các hệ thống đang ở mức sơ khai, tức đang cập nhật. Điều này đòi hỏi dữ liệu phải được cập nhật nhanh, đầy đủ, chính xác. Vì bên cạnh những dữ liệu ít thay đổi hoặc không thay đổi như không gian, sẽ có những dữ liệu thay đổi hàng ngày như y tế, giao thông… Đồng thời làm kỹ việc khai thác, các quy trình, quy định nhập dữ liệu để xác định được trách nhiệm của cá nhân, đơn vị tham gia. Dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành nếu chỉ dừng lại ở tháng, quý, năm thì chỉ phục vụ cho các cuộc họp hàng tháng hoặc báo cáo.
Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế – xã hội, các nhóm chỉ tiêu áp dụng ở cấp TP, quận, huyện, sở, ngành sẽ được chia thành 20 nhóm lĩnh vực với 110 chỉ tiêu cụ thể. Được phân loại theo tháng, quý và năm, các nhóm, chỉ tiêu trên sẽ trình diễn dưới dạng đồ thị, biểu đồ, hình ảnh minh họa infographic. Từ đó, cho phép lãnh đạo UBND TP đánh giá mức độ tăng, giảm, tỷ lệ hoàn thành so với kế hoạch, so sánh số liệu cùng kỳ hoặc giữa các giai đoạn. Còn Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh của người dân thông qua Tổng đài 1022 sẽ cung cấp các thông tin, tình hình xử lý phản ánh kiến nghị dưới dạng biểu đồ nhiệt, bản đồ GIS TP và các khối biểu đồ cột, biểu đồ tròn. Chúng được thể hiện theo từng lĩnh vực, từng đơn vị xử lý (cấp quận, huyện, xã, phường), giúp trực quan hóa tình hình xử lý phản ánh kiến nghị của người dân.
Ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông – cho biết, thông qua Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế – xã hội, lãnh đạo UBND TP có thể đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình hoạt động, hiệu quả kế hoạch công tác, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường để đưa ra các định hướng, quyết định và hành động phù hợp. Hệ thống cũng được phân quyền về sở ngành, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức giúp cho lãnh đạo các cấp có thể nắm bắt tổng quan về tình hình phát triển của địa phương, đơn vị. Với Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh của người dân thông qua Tổng đài 1022, lãnh đạo TP và các đơn vị có thể tra cứu, giám sát từng kiến nghị của người dân. Qua đó, theo dõi chất lượng, tình hình xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, kịp thời ra quyết định điều hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và tổ chức, doanh nghiệp trong TP.
Theo ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện nay các hệ thống chưa hoàn thiện nhưng TP vẫn công bố và tiếp tục hoàn thiện để đưa vào sử dụng, ứng dụng trong hệ điều hành của TP, cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Mặt khác, TP đang có những dấu hiệu tích cực trong phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành phải tốt hơn để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu. Đây là điều hết sức quan trọng, đòi hỏi phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT.
Tháng 11-2017, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố Đề án đô thị thông minh. Đến tháng 4-2019, TP.HCM tiếp tục tiên phong đưa Trung tâm Điều hành đô thị thông minh vào hoạt động. Trong giai đoạn đầu, UBND TP giao Sở Thông tin & Truyền thông tổ chức triển khai xây dựng các hệ thống thành phần như: Triển khai kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát; Hệ thống bản đồ số và GIS; Hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 – 114 – 115; Trung tâm quản lý thông tin (lắng nghe mạng xã hội, quản lý báo chí, quảng bá thông tin); Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức (Cổng thông tin 1022). Các hệ thống này ngày càng hoàn thiện về quy mô, năng lực và lĩnh vực tiếp nhận thông tin phản ánh kiến nghị của người dân, đặc biệt đã trở thành cầu nối đắc lực giữa người dân và chính quyền TP trong thời gian cao điểm TP.HCM thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế – xã hội và Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Tổng đài 1022 ra đời với mục đích hoàn thiện mảnh ghép quan trọng tiếp theo cho Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP. |
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức hoàn thiện các hệ thống theo tinh thần làm tới đâu chắc tới đó, làm xong phải sử dụng được, bổ sung các chức năng mới để hình thành một hệ sinh thái phục vụ người dân; đồng thời giúp các sở ngành nâng cao năng suất hoạt động, không tạo gánh nặng cho công chức, người lao động. Đặc biệt, hệ thống khi vận hành cần nhất là nhận được sự hưởng ứng ủng hộ của người dùng, trong đó có người dân TP.
Ông Đức cũng yêu cầu các sở ngành, quận huyện, TP.Thủ Đức tham gia với thái độ tích cực, giúp cho hệ thống có dữ liệu sâu, đầy đủ, chính xác, liên tục. Đây là sự sống còn của dữ liệu. Tích cực phản ánh những bất cập khi sử dụng cho đến khi hệ thống hoàn thiện. Cùng với đó, hướng đến dữ liệu được cập nhật hoàn toàn tự động, có nghĩa phải tiếp cận dữ liệu gốc từ các cơ sở, tránh tình trạng tốn kém công sức báo cáo lại dữ liệu. Hệ thống pháp lý, các yếu tố an toàn, bảo mật thông tin, hoàn thiện hệ thống tương tác hai chiều cũng phải được quan tâm.
“Quá trình thực hiện không dễ, đòi hỏi có lộ trình và cần nhiều thời gian. Trong quá trình vận hành các đơn vị phải có trách nhiệm; lưu ý đến khả năng kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của TP”, ông Đức nói.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)