Theo kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và điểm học bạ lớp 12 tại nhiều trường THPT ở TP.HCM cho thấy, hầu hết đều có sự tương đồng ở các môn. Độ lệch (nếu có) giữa các môn sẽ là căn cứ để nhà trường điều chỉnh phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá trong năm học 2023-2024.
Kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ lớp 12 ở nhiều trường THPT tại TP.HCM có sự tương đồng (ảnh minh họa)
Ghi nhận tại Trường THPT Tenlơman (Q.1), độ chênh lệch gần như là “không” ở các môn giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ lớp 12 của học sinh, khi chỉ dao động ở mức dưới 0,5 điểm. Trong đó, độ lệch cao hơn ở các môn khoa học xã hội và giảm đều ở các môn khoa học tự nhiên. Cô Trần Thị Thơm (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, hiện nay công tác kiểm tra đánh giá đã có những sự đổi mới tiệm cận theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, giáo viên bám sát năng lực học sinh để giảng dạy, việc đánh giá chú trọng ghi nhận quá trình của học sinh chứ không còn chỉ lệ thuộc vào một vài điểm số giữa kỳ, cuối kỳ. Đối với riêng nhà trường, dù trao quyền cho thầy cô đổi mới công tác kiểm tra đánh giá song đều có sự giám sát; ví dụ, từ kết quả các kỳ thi chung sẽ so dò, đối chiếu với kết quả thầy cô dạy trên lớp để có sự góp ý, điều chỉnh phù hợp.
Tương tự, tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức), để đánh giá thực chất nhất quá trình giảng dạy của giáo viên, nhà trường thực hiện bảng đối sánh giữa điểm trung bình môn và điểm thi tốt nghiệp THPT của 507 học sinh lớp 12. Từ kết quả đối sánh, Hiệu trưởng nhà trường – cô Hoàng Thị Hảo – thông tin, độ lệch ở các môn không quá nhiều, ở mức chấp nhận được với đặc thù học sinh của trường. Mặc dù đầu vào của nhà trường chỉ ở mức trung bình song đầu ra khi đối sánh đều ở mức khá, nhiều học sinh đạt giỏi. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên đã bám rất sát với năng lực từng học sinh, nhất là những em thuộc nhóm “nguy cơ cao”. Kết quả cho thấy, các em trong nhóm này đều đã rất cố gắng, có em điểm thi cao hơn điểm trung bình môn. “Thực hiện đánh giá tổng quan giúp nhà trường nhận rõ năng lực, sự tiến bộ của từng học sinh và điều chỉnh phương pháp phù hợp đối với từng nhóm đối tượng học sinh trong năm học mới. Nhà trường trao quyền cho đội ngũ giáo viên trong đổi mới phương pháp và đổi mới kiểm tra đánh giá. Chú trọng ghi nhận quá trình, nỗ lực của học sinh trong từng thời điểm, từng đối tượng học sinh chứ không cứng nhắc theo điểm số giữa kỳ, cuối kỳ. Điều này khích lệ học sinh tiến bộ, nỗ lực hơn trong học tập”, cô Hảo chia sẻ.
Từ kết quả đối sánh giúp các trường đánh giá, điều chỉnh phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh (ảnh minh họa)
“Trong suốt năm học, nhà trường luôn thống nhất đánh giá thật sát với năng lực học sinh để các em có định hướng đúng nhất trong việc xác định các hướng đi vào đại học. Từ kết quả đối sánh sẽ là một trong những căn cứ để nhà trường tham khảo, điều chỉnh, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục”, thầy Nguyễn Anh Dũng (Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình, Q.Tân Phú) cho hay. |
Theo kết quả đối sánh của Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức), độ lệch ở các môn giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ lớp 12 cũng không quá nhiều. Ở hầu hết các môn, mức chênh lệch theo hướng điểm học bạ cao hơn điểm thi chỉ dao động trong khoảng từ 0,15- 0,68 điểm. Riêng môn ngoại ngữ, ở tất cả 17 lớp, điểm thi tốt nghiệp THPT đều cao hơn điểm học bạ, với độ lệch dao động từ 0,35-1,26 điểm. “Với độ lệch này cho thấy rằng giáo viên đã bám rất sát chương trình và năng lực học sinh, phù hợp với mục tiêu của Bộ GD-ĐT. Như vậy, việc các trường đại học sử dụng điểm học bạ để làm phương thức xét tuyển là hoàn toàn sát với năng lực học sinh chứ không có chuyện giáo viên đánh giá “dễ dãi” hay “nương tay” để học sinh có điểm học bạ cao để xét tuyển”, thầy Đỗ Vũ Ngọc Trung (Phó Hiệu trưởng nhà trường) đánh giá.
Trong khi đó, tại Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú), kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và điểm học bạ lớp 12 cho thấy có rất ít sự chênh lệch. Ở môn toán, giữa điểm học bạ và điểm thi chỉ lệch 0,11 điểm; môn ngữ văn, độ lệch là 0,7 điểm; môn ngoại ngữ, độ lệch là 0,33 điểm; môn lịch sử, độ lệch là 1,85 điểm. Theo thầy Nguyễn Anh Dũng (Hiệu trưởng nhà trường), độ lệch giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ thường ở các môn khoa học xã hội. Riêng các môn như toán, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, mức điểm lệch không đáng kể. “Kết quả đối sánh đã phản ảnh thực chất quá trình dạy và học của nhà trường. Giáo viên đã đánh giá rất sát năng lực học sinh chứ không phải “thả” để các em có điểm học bạ đẹp. Ở các bộ môn học sinh lựa chọn làm khối thi, điểm học bạ đều tiệm cận với điểm thi. Trong suốt năm học, nhà trường luôn thống nhất đánh giá thật sát với năng lực học sinh để các em có định hướng đúng nhất trong việc xác định các hướng đi vào đại học. Từ kết quả đối sánh sẽ là một trong những căn cứ để nhà trường tham khảo, điều chỉnh, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục”, thầy Dũng cho hay.
Lý giải về mức chênh lệch ở một số môn khoa học xã hội, Hiệu trưởng này cho hay, trong khi học sinh có cố gắng, giáo viên ghi nhận, đánh giá quá trình; tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm học, khi các em đã xác định được rõ ràng hơn khối thi để xét tuyển đại học thì lại tập trung nhiều hơn vào ôn tập ở khối thi đó. Thậm chí ngay cả xét tuyển học bạ, nếu như xác định xét ở các tổ hợp môn nào thì học sinh cũng sẽ có hướng thiên về các môn học đó… Nhiều em thậm chí đã trúng tuyển bằng các con đường như đánh giá năng lực, xét tuyển học bạ, vì vậy khi thi tốt nghiệp THPT chỉ để… tốt nghiệp.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)