Năm học 2020-2021, TP.HCM có 2.348 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT với 1.740.364 HS. Để đáp ứng đủ đội ngũ, toàn ngành GD phải tuyển 6.859 giáo viên (GV) và nhân viên, trong đó mầm non tuyển 821 người, tiểu học 3.462 người, THCS 2.062 người và THPT 514 người.
Sở GD-ĐT TP.HCM tuyển dụng giáo viên năm học 2019-2020
Nhu cầu nhiều nhưng tuyển được ít
Là thực trạng đang diễn ra ở hầu hết các quận, huyện, đặc biệt việc tuyển dụng GV các bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, tin học, tiếng Anh là rất khó. Đơn cử như Phú Nhuận, UBND quận vừa phê duyệt kết quả tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT năm học 2020-2021. Theo đó có 29 người trúng tuyển (8 GV mầm non, 1 GV phổ cập, 6 GV tiểu học và 14 GV THCS). Đáng nói, trong số các GV trúng tuyển chỉ có 1 GV tiếng Anh, 3 GV âm nhạc và 1 GV thể dục. Trong khi nhu cầu tuyển toàn quận lên đến 91 GV và 5 nhân viên. Nhu cầu các môn tiếng Anh tuyển 15 GV, 4 GV âm nhạc, 2 GV thể dục. Các môn mỹ thuật tuyển 5 GV, tin học tuyển 3 GV nhưng không ai đủ điều kiện dự tuyển.
Tại Q.2, có 75 người đủ điều kiện dự tuyển trong khi nhu cầu tuyển là 76 GV và 11 nhân viên. Môn tiếng Anh tuyển 13 GV nhưng có 6 người đủ điều kiện. Môn tin học tuyển 5 GV, mỹ thuật tuyển 4 GV đều không có ai đủ điều kiện.
Ngoài Phú Nhuận và Q.2, chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021, nhiều quận, huyện cũng tuyển dụng số lượng lớn GV. Trong đó Q.9 có nhu cầu tuyển dụng 348 GV, 56 nhân viên; trong đó môn tiếng Anh tuyển nhiều nhất với 52 GV, tin học tuyển 20 GV, thể dục 17 GV… Được biết Q.9 có 11 trường mầm non, 20 trường tiểu học và 13 trường THCS có nhu cầu tuyển GV. Hầu hết các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận đều tuyển môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, tin học, tiếng Anh.
Q.1 cũng có nhu cầu tuyển 143 GV và 42 nhân viên; Q.4 tuyển 81 GV và 13 nhân viên; huyện Cần Giờ tuyển 64 GV và nhân viên…
Bỏ hộ khẩu vẫn không tuyển đủ
Vài năm trở lại đây TP.HCM đã bỏ quy định phải có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM trong tuyển dụng GV. Điều này giúp các ứng viên đến từ các tỉnh, thành khác có cơ hội trở thành GV của TP. Và đối với TP cũng có cơ hội tuyển đủ GV, chọn được GV giỏi. Song thực tế, chưa năm nào TP tuyển đủ số lượng.
Thống kê của Sở GD-ĐT TP cho thấy, hiện tỉ lệ GV tiểu học/lớp là 1,34, chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy tất cả các môn và dạy học 2 buổi/ngày. GV dạy nhiều môn thì không thiếu nhưng khả năng thiếu GV bộ môn có thể xảy ra cục bộ ở một số trường.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP – cho biết, Sở GD-ĐT đang kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo lại nghiệp vụ sư phạm để sinh viên bộ môn có thể dạy học sau khi tốt nghiệp chuyên ngành phù hợp tại các trường ĐH ngoài trường sư phạm.
“Từ năm 2014 đến nay, Bộ GD-ĐT chỉ cho phép các trường sư phạm đào tạo GV, sinh viên tốt nghiệp các trường khác không có nghiệp vụ sư phạm rất khó tham gia giảng dạy và các quận, huyện cũng khó tuyển dụng. Nếu kiến nghị này được đồng ý thì sinh viên các trường như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn… có thể tham gia giảng dạy”, ông Hiếu cho biết.
Việc không tuyển đủ GV bắt buộc các trường phải hợp đồng thỉnh giảng, tuy nhiên theo ông Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân – thì đội ngũ hợp đồng sẽ không ổn định.
Lãnh đạo một số phòng GD-ĐT cũng cho rằng, thiếu GV do thầy cô nghỉ hưu, chuyển công tác và yêu cầu chuyên môn trong tuyển dụng ngày càng đòi hỏi cao.
Bà Nguyễn Thị Việt Tú – đại biểu HĐND TP – cho rằng, thiếu GV dạy một số bộ môn diễn ra nhiều năm nay do hoạt động đào tạo chưa cân đối giữa các bộ môn; một phần do tâm lý học các bộ môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, khi ra trường đi làm thu nhập thấp nên ít người mặn mà.
Riêng hai môn tin học và tiếng Anh, Sở GD-ĐT cho rằng do chưa phải là môn bắt buộc nên chưa có vị trí việc làm. Ngành GD-ĐT TP cũng chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để chỉ đạo, hướng dẫn các trường xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với hai môn học này.
Để tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng, đặc biệt năm học tới cả nước bước vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi đội ngũ không chỉ đủ số lượng mà còn đạt trình độ chuyên môn theo yêu cầu, Sở GD-ĐT đã kiến nghị UBND TP xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo phù hợp với thực tiễn phát triển GD-ĐT của TP; trong đó cần có các giải pháp cụ thể tháo gỡ về cơ chế để giải quyết tình trạng thiếu GV tiếng Anh và tin học. Đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng GV đạt chuẩn, trên chuẩn, GV các bộ môn đặc thù và bắt buộc như tiếng Anh, tin học, công nghệ; bổ sung thêm GV âm nhạc, mỹ thuật, khắc phục tình trạng thiếu, thừa GV cục bộ.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Bình luận (0)