Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường thấp nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo trẻ em ngoài nhà trường (TENNT) trên địa bàn TP. Trước đó, Bộ GD-ĐT và UNICEF đã tiến hành nghiên cứu về thực trạng TENNT (gồm trẻ em chưa từng đi học và bỏ học) ở độ tuổi từ 5 đến 14 tại 8 tỉnh, thành (gồm: Lào Cai, Điện Biên, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, TP.HCM, Đồng Tháp và An Giang).
Riêng tại TP.HCM, tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, số trẻ em 5 tuổi là 110.015 em, trong đó có 15.028 em ở NNT (chiếm 13,66%). Tỷ lệ này cao hơn mức bình quân 12,19% của cả nước và cao thứ 6 trong 8 tỉnh, thành được chọn để nghiên cứu. Cũng vào thời điểm đó, số trẻ em từ 6-10 tuổi (độ tuổi tiểu học) là 427.884 em, trong đó có 10.055 em ở NNT (chiếm 2,35%) – thấp hơn gần 3,97% của cả nước và thấp nhất trong 8 tỉnh, thành. Trẻ em từ 11-14 tuổi (độ tuổi THCS) là 350.311 em, trong đó có 34.751 em ở NNT (chiếm 2,35%). Trong khi tỷ lệ này của cả nước là 11,17%, tỷ lệ này cũng thấp nhất trong 8 tỉnh, thành.
Phân tích nguyên nhân TENNT, ông Lê Hoài Nam – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP – cho biết: “Số TENNT trên địa bàn TP.HCM tập trung vào nhóm trẻ em ở các địa phương khác theo gia đình đến TP sinh sống. Thậm chí có cả những em tự di cư tìm việc làm. Bên cạnh đó là trẻ em ở những gia đình nghèo tại TP phải làm việc giúp gia đình cũng bị hạn chế điều kiện học tập. Ngoài ra còn có những rào cản mang tính văn hóa, xã hội cũng cản trở trẻ em đến trường như trẻ không muốn đi học do bản thân trẻ hoặc do phụ huynh không nhận thức được giá trị của giáo dục; do học quá tuổi nên xấu hổ, mặc cảm; kết quả học tập kém ở trường có thể dẫn tới việc học sinh mất tự tin và sau đó bỏ học…”.
Cũng theo ông Nam, năm 2009, chưa thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nên không ít trẻ 5 tuổi của TP không tới trường mà ở nhà với ông, bà. Do vậy, số trẻ 5 tuổi ở NNT giai đoạn này rất cao…
Nhằm đảm bảo quyền học tập của trẻ em, từ những nghiên cứu trên, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề xuất với UBND TP để có giải pháp tổng thể, trong đó cần sự phối hợp giữa ngành giáo dục với ngành lao động, thương binh và xã hội cũng như các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương. Đồng thời, tạo việc làm và tăng thu nhập, giảm nghèo và các hỗ trợ học tập kể cả cho nhóm trẻ di cư…
K.Anh

Bình luận (0)