Là khu vực không có nguồn điện tại chỗ đủ lớn, TP.HCM ưu tiên quy hoạch, phát triển nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp cho TP. Việc này được đánh giá là rất hiệu quả và phù hợp với sự phát triển chung.
Là khu vực không có nguồn điện tại chỗ đủ lớn, TP.HCM ưu tiên quy hoạch, phát triển nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp cho TP (Ảnh: IT)
Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến nay, TP có 14.210 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất là 358,38 MWp, chiếm tỉ lệ 3,71%/điện mặt trời mái nhà của cả nước và chiếm 7,82% so với công suất đỉnh năm 2021 (4.580 MW) của lưới điện TP.
Ông Ngô Hồng Y – Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương TP cho biết, TP là khu vực không có nguồn điện tại chỗ đủ lớn, nguồn chủ yếu từ các khu vực lân cận. Vì vậy, phát triển nguồn điện tại chỗ để cung cấp cho TP là rất hiệu quả và phù hợp với sự phát triển chung.
Nhằm giảm nhu cầu truyền tải điện từ bên ngoài; cũng như góp phần giảm dòng ngắn mạch cho lưới điện của khu vực TP, cần nghiên cứu các nguồn điện tại chỗ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển kinh tế xã hội của TP. Trong đó, TP ưu tiên quy hoạch các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo (năng lượng điện mặt trời mái nhà và năng lượng điện từ chất thải rắn (rác thải), năng lượng điện gió) nhằm đảm bảo mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện đạt tối thiểu 15%.
Theo đó, đối với năng lượng điện mặt trời mái nhà, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời của Chính phủ, nhiều hộ gia đình, cơ quan và doanh nghiệp trên địa bàn TP đã lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái các công trình để phát điện. Hầu hết sản lượng điện năng phát sẽ được tiêu thụ tại chỗ, phần điện năng dư còn lại (nếu có) sẽ phát ngược lên lưới điện và được Tổng công ty Điện lực TP (EVNHCMC) mua lại theo giá cố định trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, từ 1-1-2021 đến nay, việc ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà đang tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ.
Hiện nay, theo kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội, UBND TP đã giao Sở Công thương xây dựng đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Đồng thời, TP cũng đang phối hợp với Bộ, ngành trung ương xây dựng dự thảo nghị định triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 trong đó có nội dung xây dựng trình tự thủ tục triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công sở trình Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Về năng lượng điện từ đốt rác phát điện, trong thời gian qua, TP đã kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác – phát điện với mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, vừa xử lý rác, vừa tạo năng lượng an toàn cho môi trường. Hiện TP đang kiến nghị Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia một số dự án đốt rác phát điện.
Bao gồm, dự án nhà máy đốt rác phát điện của Công ty CP VietStar có công suất 40 MW; dự án nhà máy đốt rác phát điện của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa có công suất 40 MW. Ngoài ra, một số dự án đốt rác phát điện đang trong quá trình triển khai các bước chuẩn bị đầu tư với tổng công suất đến năm 2030 là 340 MW.
Về năng lượng điện gió, hiện nay đang có 2 nhà đầu tư đề xuất TP cho phép khảo sát để đề xuất dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện Cần Giờ với công suất 1.000MW và 6.000MW).
Mặc dù đạt được những kết quả song việc phát triển nguồn tại chỗ để cung cấp cho TP cũng gặp những khó khăn, thách thức. Theo ông Ngô Hồng Y, các dự án phát triển năng lượng tái tạo hiện chưa có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Sở Công thương đã tham mưu UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, bổ sung các dự án năng lượng tái tạo vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
N.Trinh
Bình luận (0)