Trong 2 ngày 10 và 11-10, UBND TP.HCM cùng 6 tỉnh duyên hải Trung bộ tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ (gồm Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi).
Ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác
Theo đó, thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ được ký kết ngày 15-4-2023; hội nghị nhằm đánh giá kết quả 1 năm phối hợp triển khai và tiếp tục cụ thể hóa các nội dung, chương trình của thỏa thuận hợp tác thành các nhiệm vụ, giải pháp trong mỗi ngành, lĩnh vực.
Tại hội nghị, TP.HCM và 6 tỉnh vùng duyên hải Trung bộ đã đưa ra hơn 700 dự án mời gọi đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, kinh tế biển, thương mại, dịch vụ, logistics, xây dựng, hạ tầng, y tế, giáo dục và đào tạo. Trong khuôn khổ hội nghị, TP.HCM và các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác ngành y tế giai đoạn 2024-2025. Trong đó, ký kết bản ghi nhớ hợp tác và phát triển giữa Sở Y tế của TP.HCM với Sở Y tế các tỉnh duyên hải Trung bộ; ký kết bản ghi nhớ tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh giữa các trung tâm kiểm soát bệnh tật của TP.HCM và các tỉnh duyên hải Trung bộ.
Đồng thời, ký kết bản ghi nhớ hợp tác và phát triển giữa một số đơn vị trực thuộc như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định và Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa và Bệnh viện Nhân dân 115; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận và Bệnh viện Bình Dân; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên và Bệnh viện Nhân dân 115; Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi và Bệnh viện Nhi đồng 1.
Hội nghị còn diễn ra các hoạt động như xúc tiến đầu tư vào các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ; đoàn doanh nghiệp khảo sát đầu tư… Đây cũng là cơ hội để kết nối nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp TP.HCM và các tỉnh duyên hải Trung bộ. Cụ thể, 4 trung tâm thương mại, 17 siêu thị và 130 cửa hàng tiện lợi vào các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định và Quảng Ngãi; 8 trung tâm logistics tại Bình Thuận, Phú Yên và Bình Định, Quảng Ngãi; 6 trung tâm chăm sóc sức khỏe và dịch vụ; 1 cụm công nghiệp tại Bình Thuận.
Bên cạnh đó, hội nghị tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa nhà đầu tư nhằm mục đích mở rộng và phát triển các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp sản xuất tại các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp đến từ TP.HCM và các tỉnh. Hội nghị còn có các hoạt động như tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, các dự án, thành tựu nổi bật của địa phương; 5 phiên bán hàng trực tuyến (livestream) trên nền tảng Shopee, TikTok với chủ đề kết nối thương mại số “Yêu hàng Việt, tự hào hàng Việt”…
Tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững trong toàn khu vực
Trong năm qua, TP.HCM và các tỉnh duyên hải Trung bộ đã thực hiện 10 nội dung hợp tác cấp vùng và 10 nội dung hợp tác song phương xoay quanh các lĩnh vực như xúc tiến thương mại và đầu tư, du lịch, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục và đào tạo… đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của cả nước. Trong giai đoạn 2024-2025, TP.HCM và các tỉnh duyên hải Trung bộ tiếp tục triển khai hoạt động hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực. Những hoạt động này không chỉ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại từng địa phương mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững trong toàn khu vực.
Theo báo cáo sơ kết của TP.HCM, trong thời gian qua giữa TP.HCM và các tỉnh duyên hải Trung bộ đã tổ chức nhiều chương trình, hội nghị như: Kết nối cung cầu trực tuyến qua website; kết nối cung cầu; đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ; hội chợ triển lãm nuôi trồng, công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản; kết nối cung – cầu, giao thương; đoàn doanh nghiệp khảo sát thị trường… Qua đó, giữa các bên đã ký kết hàng chục hợp đồng và biên bản ghi nhớ giao thương với các doanh nghiệp cung ứng của các địa phương. Ngoài ra, kết nối thúc đẩy hợp tác đầu tư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, làm việc và hợp tác; tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về các lĩnh vực như văn hóa, thể thao và du lịch; nông nghiệp; khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giao thông vận tải; giáo dục, đào tạo; y tế… cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Theo UBND TP.HCM, nhiều nội dung hợp tác cụ thể giữa các địa phương trong từng năm và giai đoạn 2024-2025 đã được định hình, thống nhất phối hợp triển khai; từng bước tạo được mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực thương mại, giao thương hàng hóa; góp phần thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM; đồng thời hỗ trợ nhà sản xuất tìm được đầu ra ổn định, bền vững, từ đó mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô.
Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đã triển khai hợp tác phát triển kinh tế – xã hội theo kế hoạch đề ra, xác định được nhiều nội dung hợp tác quan trọng, thiết thực, có sức lan tỏa để triển khai hợp tác trong thời gian tới, tạo dấu ấn cho nền kinh tế của từng địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như nhiều nội dung hợp tác chưa đảm bảo tiến độ thực hiện, chưa đi vào chiều sâu và tác động tổng thể đến phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương; chưa phát huy đồng bộ các thế mạnh của các địa phương. Mặt khác, một số nội dung hợp tác song phương chưa triển khai, chưa bao quát hết các lĩnh vực mà chủ yếu tập trung vào thương mại, đầu tư, du lịch, y tế, logistics và giáo dục đào tạo. Ngoài ra, chủ thể hợp tác chưa lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp các địa phương; hoạt động liên kết đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh chưa phát triển mạnh; công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối đến nay vẫn còn khó khăn thách thức…
Nhật Huy
Bình luận (0)