6 tỉnh vùng Đông Nam bộ (ĐNB) vừa tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch (DL) và ký kết thỏa thuận liên kết phát triển DL vùng ĐNB giai đoạn 2020-2025; thông qua kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển DL vùng ĐNB giai đoạn 2020-2021.
Lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM – nhấn mạnh, hội nghị lần này sẽ đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo các tỉnh, thành, các cơ quan quản lý Nhà nước về DL, các hiệp hội và doanh nghiệp DL của cả vùng, tập trung vào 5 nội dung chính: Công tác quản lý Nhà nước về DL; phát triển sản phẩm DL; quảng bá xúc tiến DL; phát triển nguồn nhân lực DL và kêu gọi đầu tư phát triển DL.
“Hội nghị sẽ tạo được động lực lớn, mang lại hiệu quả kép phục hồi ngành DL và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung”, ông Phong tin tưởng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP.HCM – cũng cho rằng, để liên kết vùng ĐNB có hiệu quả, các tỉnh, thành trong vùng cần chuẩn hóa các dịch vụ và điểm đến theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị của sản phẩm DL và tăng tính cạnh tranh của DL Việt Nam trong khu vực; phối hợp tổ chức công tác quảng bá DL gắn với ứng dụng công nghệ hiện đại; tạo thêm nhiều cơ hội để giúp doanh nghiệp của các địa phương đầu tư vào các tỉnh trong vùng; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho DL của vùng. Với mức đóng góp khoảng 50% khách quốc tế, 10% doanh thu cho DL cả nước, TP.HCM có lợi thế và cần phát huy lợi thế để cùng với các tỉnh trong vùng phát triển, gia tăng lợi thế cạnh tranh và cùng với các tỉnh phát triển DL thông minh.
Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, DL là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao và có mối quan hệ gắn kết với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên phát triển hoạt động DL sẽ thúc đẩy chuỗi giá trị dịch vụ khác như: hàng không, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực… Để đạt được mục tiêu đó, việc phát triển DL vùng phải đảm bảo an toàn cho du khách, cho đội ngũ nhân lực ngành cũng như cộng đồng xã hội; làm nền tảng cho việc đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá chương trình “Người Việt Nam đi DL Việt Nam” và các chương trình kích cầu DL nội địa. Đồng thời, từng cấp chính quyền của các địa phương trong vùng cần tiếp tục lắng nghe, chủ động tháo gỡ trong thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân và kịp thời kiến nghị Chính phủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ. Ngoài ra phát triển DL của vùng cũng cần bám sát Chiến lược phát triển DL Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
“Với sự năng động, sáng tạo, nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân các tỉnh, thành ĐNB, DL vùng sẽ nhanh chóng phục hồi và bứt phá, góp phần xây dựng DL Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ông Đam kỳ vọng.
Vùng ĐNB gồm: TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Đây là vùng kinh tế năng động nhất cả nước, khu vực rất giàu về tài nguyên DL tự nhiên. Năm 2019, vùng ĐNB đã đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,8% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 7,1 tỷ USD.
Trong thỏa thuận liên kết phát triển DL vùng ĐNB, khu vực này được định hướng khai thác các sản phẩm đặc trưng như: DL kết hợp hội nghị – hội thảo; DL biên giới gắn với cửa khẩu; DL văn hóa, lễ hội, giải trí; DL nghỉ dưỡng biển, giải trí cuối tuần, thể thao, mua sắm…
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)