Sáng 26-7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp với Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tuần lễ Triển lãm và Hội nghị kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm giữa hai địa phương.
Đại diện TP.HCM chia sẻ về tầm quan trọng của việc kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm giữa TP.HCM với Đắk Lắk
Tuần lễ diễn ra đến 28-7 tại Showroom xuất khẩu số 92-96, Nguyễn Huệ (TP.HCM). Tại đây, ban tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng chủ lực của Đắk Lắk và TP.HCM như: Cà phê, ca cao, hạt macca, hạt điều, hồ tiêu, ong mật, chuối, quả bơ, sầu riêng…
Bên cạnh đó, ban tổ chức còn giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ các nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk; Kết nối giao thương B2B giữa các đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ; Ký kết hợp tác thương mại, đầu tư và các hợp đồng ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm giữa các đối tác.
Ông Trần Phú Lữ – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM cho biết, với vai trò là đầu tàu kinh tế, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới, TP.HCM đã tích cực chủ động hợp tác, liên kết vùng với nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh vùng Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông).
Sản phẩm đặc trưng chủ lực của các tỉnh vùng Tây Nguyên được giới thiệu tại tuần lễ triển lãm
Trong chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên các địa phương đã thống nhất tăng cường hợp tác trong 5 lĩnh vực trọng tâm: Du lịch, thương mại, nông nghiệp, khoa học công nghệ, y tế và giáo dục.
“Sự hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để phát huy tiềm năng, thế mạnh thu hút những dự án đầu tư từ các nhà đầu tư của TP.HCM”, ông Lữ chia sẻ.
Ông Lữ cho rằng, riêng đối với tỉnh Đắk Lắk, các chương trình hợp tác với TP.HCM vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác và phát triển nhất là lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch. Vì thế trong những năm tiếp theo TP và Đắk Lắk sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
TP.HCM và Đắk Lắk kỳ vọng qua kết nối cung – cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển kinh tế
Ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk chia sẻ, tỉnh Đắk Lắk tự hào về những sản phẩm nông sản chất lượng cao, những sản phẩm công nghiệp chế biến mang đậm dấu ấn của vùng đất Tây Nguyên. Tuy nhiên, để các sản phẩm này có thể tiếp cận được với thị trường lớn hơn, để người tiêu dùng cả nước biết đến và tin dùng, chúng ta cần phải có những cầu nối vững chắc giữa nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Hoạt động xúc tiến thương mại giữa tỉnh Đắk Lắk và TP.HCM trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan, thể hiện qua sự mở rộng thị trường tiêu thụ và ký kết nhiều hợp đồng quan trọng. Đặc biệt, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp Đắk Lắk đã có cơ hội quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác mới, góp phần đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
“Với tiềm năng, thế mạnh hiện tại của hai địa phương, chúng ta có nhiều cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kết nối giao thương hàng nông sản, thực phẩm. Bên cạnh đó chúng tôi cũng rất mong nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư tại TP.HCM trong lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm nông sản nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế của địa phương về nguồn nguyên liệu nông sản phong phú đa dạng về chủng loại, đủ lớn về quy mô và nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động của các nhà máy hướng đến phát triển nhanh và bền vững”, ông Khôi bày tỏ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)