Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM và ĐBSCL tăng cường hợp tác phát triển kinh tế – xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 29-11 tại TP.Cần Thơ, UBND TP.HCM phối hợp cùng UBND 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2024 và triển khai kế hoạch năm 2024-2025.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023-2024 và triển khai kế hoạch năm 2024-2025 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh tầm quan trọng của hai thỏa thuận hợp tác đã ký kết: Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội (năm 2023) và Thỏa thuận phát triển du lịch (năm 2020).

Sự hợp tác giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL được triển khai trên 6 lĩnh vực trọng tâm, gồm: Phát triển hạ tầng giao thông, du lịch, kết nối cung cầu – xúc tiến đầu tư thương mại, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ – chuyển đổi số và giáo dục – y tế – đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, lĩnh vực kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại đã ghi nhận nhiều thành tựu đáng chú ý.

Kết quả hợp tác kinh tế – xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL năm 2023-2024 đã ghi nhận những con số tích cực, hội nghị Kết nối cung cầu tập trung năm 2023 đã qua thu hút sự tham gia của 322 đơn vị với 657 gian hàng. Đặc biệt, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã tham dự với 184 doanh nghiệp và 328 gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng.

Hội nghị diễn ra trong không khí sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp nhằm cải thiện chất lượng liên kết giữa TP.HCM và ĐBSCL

Đồng thời, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM đã tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, kết hợp giới thiệu các di sản văn hóa độc đáo.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đã phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối liên quan đến sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương.

Trong lĩnh vực du lịch, TP.HCM và ĐBSCL đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá du lịch hiệu quả. Năm 2023, Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 19 và Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 17 đã tạo cơ hội giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương đến khách tham quan. Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và ĐBSCL lần thứ ba sẽ diễn ra tại Bến Tre vào năm 2024, tiếp tục thúc đẩy hợp tác du lịch bền vững.

Đáng chú ý, đề án phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TP.HCM và ĐBSCL đã giúp định hình các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, với thông điệp cốt lõi “Sống động phương Nam”. Sở Du lịch TP.HCM cũng tích cực hỗ trợ quảng bá thương hiệu du lịch liên kết vùng, góp phần nâng cao vị thế TP.HCM như một điểm đến hấp dẫn của khu vực phía Nam.

Sản phẩm đặc trưng từ các tỉnh ĐBSCL được giới thiệu, góp phần quảng bá thương hiệu địa phương đến TP.HCM và khách du lịch

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thẳng thắn nhìn nhận hiệu quả của thỏa thuận hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn chưa đạt được như mong đợi. Một số lĩnh vực như phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số mới chỉ dừng ở giai đoạn xây dựng nền tảng sơ khai. Bên cạnh đó, vấn đề phát triển hạ tầng giao thông liên vùng dù đã có các buổi tọa đàm, nghiên cứu luồng tuyến nhưng tình trạng ùn tắc giao thông từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây vẫn chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết.

Trước thực trạng này, Chủ tịch Phan Văn Mãi kêu gọi các tỉnh, TP cùng phân tích và thảo luận để nâng cao hiệu quả hợp tác. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định rõ trọng tâm, ưu tiên các giải pháp thực chất, nhằm tạo bước đột phá trong kết nối liên vùng và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

“Việc hợp tác cần mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của ĐBSCL và TP.HCM”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh. Ông bày tỏ mong muốn lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp cùng các đại biểu đồng lòng tìm ra những giải pháp hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế vùng một cách bền vững, lâu dài.

Thủy Phạm

Bình luận (0)