Với những đặc trưng riêng, TP.HCM và Gia Lai đã hợp tác để cùng nhau phát triển du lịch. Việc hợp tác này giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và những sản phẩm du lịch mới, đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh, điểm đến của 2 địa phương.
Thác K50 nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai)
Nhiều điểm sinh thái hấp dẫn
Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc khu vực Tây Nguyên. Du lịch Gia Lai đang là điểm đến mới trong chương trình du lịch Tây Nguyên hiện nay. Trong đó loại hình du lịch sinh thái – văn hóa mang nét đặc trưng riêng của tỉnh rất thu hút khách du lịch, đặc biệt là giới trẻ.
Ông Nguyễn Đức Hoàng (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai) cho hay, với loại hình du lịch sinh thái, Gia Lai có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Biển Hồ – Đôi mắt Pleiku nằm ở phía Bắc Pleiku, cách trung tâm thành phố Gia Lai khoảng 8km về phía Đông Bắc. Đây là danh lam thắng cảnh duy nhất ở tỉnh Gia Lai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia.
Thác K50 nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được UNESCO công nhận vào tháng 9 năm 2021. Điểm du lịch này thu hút giới trẻ và khách phượt với sự hùng vĩ của nó.
Ngoài ra, Gia Lai còn nhiều điểm sinh thái hấp dẫn như: Du thuyền trên hồ Ayun Hạ (huyện Phú Thiện), trên sông Sê San (huyện Iagrai); khám phá thác Phú Cường (huyện Chư Sê), thác Hang Dơi (huyện Kbang), thác Ia Nhí (huyện Chư Pưh), thác Mơ (huyện Ia Grai), leo núi Chư Đang Ya, núi Chư Nâm (huyện Chư Păh), check in Biển Hồ trà (được người Pháp lập từ những năm 1919-1920)…
Theo ông Hoàng, du lịch Gia Lai còn là nơi trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận.
“Đến Gia Lai du khách được hòa mình vào âm vang cồng chiêng giữa buôn làng bên lửa trại và rượu cần; những địa chỉ quen thuộc để trải nghiệm loại hình du lịch này như: Làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, làng Kháng chiến Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang; làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh; làng Ốp, thành phố Pleiku…”, ông Hoàng giới thiệu.
Bên cạnh đó, Gia Lai còn có rất nhiều các di tích văn hóa – lịch sử có giá trị cao: Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo; một số di tích lịch sử: Chiến thắng Plei Me (huyện Chư Prông), chiến thắng Đak Pơ (huyện Đak Pơ), Làng kháng chiến Stơr (quê hương của Anh hùng Núp), Căn cứ địa cách mạng khu 10 (xã Krong, huyện Kbang)… Gia Lai còn có sự phong phú đa dạng trong ẩm thực như phở khô Gia Lai, bò một nắng, các món ăn đường phố…
“Du lịch Gia Lai luôn mang lại cho du khách cảm giác bình yên, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, trải nghiệm văn hóa đặc sắc đậm đà bản sắc dân tộc, con người thân thiện”, ông Hoàng khẳng định.
Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, hoạt động du lịch của tỉnh Gia Lai gần như tê liệt, lượng khách du lịch và doanh thu du lịch của năm 2020, 2021 chỉ mới xấp xỉ gần 40% của năm 2019. Năm 2022 tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai ước đạt 950.000 lượt, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt 2.500 lượt, khách nội địa ước đạt 947.500 lượt; tổng thu du lịch ước đạt 600 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Liên kết để phát triển
Ông Lê Trương Hiền Hòa (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cho hay, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và đã được Bộ Chính trị xác định là ngành kinh tế mũi nhọn tại Nghị quyết số 08 tháng 1-2017. Để du lịch phát triển, tất yếu phải liên kết, không chỉ giữa các ngành mà còn phải liên kết giữa các địa phương, các vùng miền với nhau.
“Thực tế cho thấy liên kết không chỉ tăng cường lợi thế so sánh các địa phương, vùng miền để hình thành sản phẩm du lịch mà còn hỗ trợ doanh nghiệp du lịch các địa phương liên thông tour tuyến, đặc biệt đã phát huy hiệu quả cao trong quá trình mở cửa lại của du lịch Việt Nam sau thời gian giãn cách vì Covid-19”, ông Hòa khẳng định.
Lễ hội văn hóa tại TP.HCM để thu hút du khách
“Với những hoạt động sôi nổi, đặc sắc trên, ngành du lịch TP.HCM mong sẽ thu hút nhiều hơn du khách trong và ngoài nước đến với thành phố và các địa phương trong liên kết dịp cao điểm cuối năm và trong thời gian tới”, ông Lê Trương Hiền Hòa (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) chia sẻ. |
Theo ông Hòa, phát huy kết quả đạt được từ chương trình khảo sát 3 tỉnh Tây Nguyên và Hội nghị “Bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên” năm 2022, trong thời gian qua, công tác trao đổi thông tin quản lý Nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, việc liên kết giữa doanh nghiệp du lịch Gia Lai và TP.HCM đã có sự gắn kết hơn, tạo nên các chương trình du lịch mới, hấp dẫn, đặc trưng, góp phần quảng bá điểm đến của 2 địa phương.
Ngành du lịch TP.HCM vừa qua đã đạt được các giải thưởng quốc tế gồm: “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á” và “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” của Tổ chức Du lịch thế giới (WTA).
Ông Hòa cho hay, phát huy những thành quả đó nhằm kích cầu du lịch nội địa và quốc tế góp phần tăng trưởng ngành du lịch thành phố cũng như quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa con người của TP.HCM, ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục phối hợp cùng các quận, huyện xây dựng phát triển sản phẩm theo hướng mỗi quận, huyện có một sản phẩm đặc trưng. Đồng thời tập trung tổ chức chuỗi sự kiện du lịch – thể thao – âm nhạc trong Tuần lễ du lịch TP.HCM như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc quốc tế hò dô, Ngày hội khinh khí cầu, Giải Marathon quốc tế TP.HCM.
Hồ Trinh
Bình luận (0)