Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM vẫn thiếu chính sách ưu đãi dành cho giáo viên là tiến sĩ, thạc sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tính đến đầu năm học 2024-2025, toàn TP.HCM chỉ có 90 cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ tiến sĩ, tỷ lệ 0,11% toàn ngành. Con số đạt trình độ thạc sĩ là 6.679 người, tỷ lệ 8,28%. Đến nay, theo tìm hiểu chưa có một chế độ chính sách ưu đãi nào của TP.HCM dành cho giáo viên trong việc nâng cao trình độ lên thạc sĩ, đặt biệt là tiến sĩ, ngoại trừ ở bậc mầm non (NQ04/2017 của HĐND TP.HCM về chính sách thu hút giáo viên mầm non).

Đặt trong mục tiêu chiến lược của ngành giáo dục và đào tạo TP.HCM đặt ra là phấn đấu thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, đạt trình độ tiên tiến của châu Á vào năm 2030 và của thế giới vào năm 2045 thì việc thiếu chính sách ưu đãi cho giáo viên nâng cao trình độ lên tiến sĩ là điều còn hạn chế.

Hiện nay TP.HCM vẫn chưa có chính sách ưu đãi dành cho giáo viên có trình độ chuyên môn cao như tiến sĩ, thạc sĩ

Tiến sĩ vẫn… ăn lương đại học

Tại bậc tiểu học, theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, toàn thành phố chỉ có 2 cán bộ quản lý đạt trình độ tiến sĩ (1 công lập và 1 ngoài công lập), không có giáo viên nào đạt trình độ này. Đối với trình độ thạc sĩ, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học đạt trình độ thạc sĩ là 751 người, trong đó có 353 cán bộ quản lý và 398 giáo viên. Trong khi đó, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học toàn ngành là 23.155 người.

Là một trong 2 cán bộ quản lý đạt trình độ tiến sĩ bậc tiểu học, tiến sĩ Dương Trần Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng (quận Gò Vấp) cho biết, đến nay sau nhiều năm là tiến sĩ thì thầy vẫn hưởng lương đại học chứ không có thêm ưu đãi cho trình độ đào tạo sau đại học.

Theo tiến sĩ Bình, để một giáo viên từ trình độ đại học nâng lên trình độ tiến sĩ phải mất từ 6-8 năm, trong đó 2 năm học thạc sĩ và 4-6 năm học tiến sĩ. Tuy nhiên, thực tế luôn phải mất từ 7-9 năm thì một giáo viên trình độ đại học mới có thể lấy được bằng tiến sĩ.

“Vất vả như vậy nhưng lại không có chế độ chính sách ưu đãi gì nên hiện nay giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học đa phần có tư tưởng ngại học nâng cao trình độ lên thạc sĩ, tiến sĩ, vì có học lên cao thì mức lương được hưởng cũng chỉ ở đại học.  Trong khi để học nâng cao trình độ thì giáo viên phải tự bỏ tiền túi ra, đầu tư thời gian, công sức, chất xám rất nhiều…” – tiến sĩ Bình nêu.

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) hiện có 1 cán bộ quản lý và 2 giáo viên có trình độ tiến sĩ. Nhà trường xây dựng chính sách ưu tiên thầy cô này trong nâng lương trước hạn, đánh giá xếp loại cuối năm cũng như ưu tiên trong phân công công việc phù hợp…

Thầy Phạm Thanh Yên – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa – cho hay, ngoài các chính sách ưu đãi đặc thù riêng của nhà trường thì những thầy cô có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ không được hưởng thêm chế độ chính sách gì. Với thầy cô có trình độ tiến sĩ thì cũng hưởng chung chính sách như giáo viên trình độ đại học.

Thầy cho rằng, việc thiếu chính sách ưu đãi dành cho đội ngũ có trình độ chuyên môn cao như thạc sĩ, tiến sĩ là một trong những hạn chế khiến giáo viên ít có động lực để vượt chuẩn lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Số giáo viên học lên thạc sĩ, tiến sĩ là do yêu cầu bắt buộc của vị trí việc làm và bản thân giáo viên xác định tự phải nâng cao chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc.

“Tuy vậy, về lâu dài, việc thiếu các chính sách ưu đãi đối với giáo viên có trình độ chuyên môn cao cũng khiến nhà trường gặp khó trong giữ chân giáo viên khi các chính sách ưu đãi từ phía trường ngoài công lập, quốc tế quá lớn”.

Đề xuất có chính sách đặc thù cho giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ

Hiện nay, TP.HCM đã xây dựng nhiều chính sách ưu đãi, đãi ngộ trong tuyển dụng giáo viên. Có thể kể đến như tuyển dụng giáo viên từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, thi tuyển chức danh cán bộ quản lý, xây dựng chính sách đặc thù để đãi ngộ giáo viên tiểu học các bộ môn khó tuyển…

Nhiều cán bộ quản lý đề xuất có thêm chính sách ưu đãi đặc thù cho giáo viên khi có trình độ chuyên môn cao từ thạc sĩ, tiến sĩ

Song, theo nhiều cán bộ quản lý, trong bối cảnh TP.HCM đang xây dựng nhiều chiến lược, đề án để phát triển ngành giáo dục và đào tạo tiệm cận khu vực và quốc tế, phát triển giáo dục chất lượng cao thì nếu chỉ đổi mới công tác tuyển dụng là chưa đủ mà rất cần thiết có các chế độ, chính sách ưu đãi khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn lên thạc sĩ, tiến sĩ một cách đồng bộ. Kể cả sau này khi mức lương của Nhà nước có ưu đãi dành cho trình độ sau đại học thì điều tạo động lực lâu dài nhất vẫn là từ phía địa phương, thành phố có chính sách chế độ ưu tiên đặc thù…

“Hiện nay, trình độ đại học chỉ là trình độ đạt chuẩn đối với giáo viên phổ thông. Để nâng cao trình độ, giáo viên phải tự bỏ tiền túi ra, thế nhưng học xong lại không có chính sách ưu đãi từ phía thành phố mà chỉ có một số nhà trường tự xây dựng chế độ đãi ngộ riêng, nên phần nào là rào cản đội ngũ nâng trình độ lên trên đại học. Như vậy với đòi hỏi giáo dục chất lượng cao thì thành phố cần thiết phải có những chính sách ưu đãi dành cho giáo viên học lên trình độ chuyên môn cao như thạc sĩ, tiến sĩ, phù hợp với vị trí việc làm. Điều này sẽ kích thích được đội ngũ học tập, làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn trong giai đoạn sắp tới” – tiến sĩ Dương Trần Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng đề xuất.

Giáo viên mầm non trình độ thạc sĩ được nhận thêm 1,5 triệu đồng/tháng, trong suốt 12 tháng

Theo Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 6-7-2017 của HĐND TP.HCM về chính sách thu hút giáo viên mầm non thì mức hỗ trợ khuyến khích đối với giáo viên mầm non theo trình độ chuyên môn (không áp dụng với giáo viên hợp đồng) như sau:

Trình độ thạc sĩ: 1,5 triệu đồng/người/tháng x 12 tháng/năm.

Trình độ đại học: 900 ngàn đồng/người/tháng x 12 tháng/năm.

Trình độ cao đẳng: 550 ngàn đồng/người/tháng x 12 tháng/năm.

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 nhận định, một giáo viên khi học nâng cao trình độ lên thạc sĩ, tiến sĩ hỗ trợ nhà trường rất nhiều trong đổi mới, tiếp cận phương pháp giảng dạy, có tư duy, khả năng nghiên cứu, năng lực ngoại ngữ…

“Việc quan tâm, động viên, khuyến khích đội ngũ nâng cao trình độ sau đại học, đặc biệt là trình độ tiến sĩ sẽ tác động mạnh mẽ đến chất lượng dạy và học. Điều này sẽ giúp TP không chỉ thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, đề án mà chính đội ngũ giáo viên chất lượng cao sẽ giúp TP hoàn thành chiến lược của ngành”.

Thầy Phạm Thanh Yên – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc quan tâm đến công tác tuyển dụng thì thành phố cần phải có thêm chính sách ưu đãi dành cho giáo viên trình độ cao, từ đó mới khuyến khích, tạo động lực để đội ngũ nâng cao hơn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các đề án, chiến lược phát triển ngành giáo dục thành phố.

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Thủ Đức cho hay, hiện nay việc nhà trường xây dựng chế độ chính sách ưu đãi dành cho giáo viên nâng cao trình độ lên thạc sĩ, tiến sĩ cũng rất khó vì để có thể xây dựng được thì trước hết phải có nguồn kinh phí và phải được sự đồng thuận cao của đội ngũ. Vì thế, nhà trường chưa thể xây dựng được chính sách ưu đãi này, việc nâng cao trình độ hiện là nhu cầu của thầy cô…

“Rất cần thiết việc thành phố nghiên cứu chính sách đặc thù đãi ngộ đối với giáo viên có trình độ chuyên môn cao từ thạc sĩ, tiến sĩ để động viên, khích lệ đội ngũ, từ đó xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp thành phố thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chiến lược, nhiệm vụ của ngành…”.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)