Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

TP. HCM vào mùa sốt xuất huyết

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7/6, Khoa Sốt xuất huyết (SXH) BV Nhi Đồng 1 có 45 trẻ đang nằm điều trị. Đặc biệt có đến 28 ca là bệnh nhi từ các tỉnh chuyển đến.

TSBS Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa SXH, BV Nhi Đồng 1 cảnh báo, TP.HCM đã bước vào mùa mưa, sau vài tuần nữa số ca nhập viện do SXH sẽ gia tăng khi muỗi sinh sản mạnh. Trẻ mắc SXH dễ nhầm với các bệnh khác như: nhiễm siêu vi, sốt phát ban, viêm họng, tay-chân-miệng. Bệnh nhi dưới 12 tháng tuổi khi bị SXH thường kèm dấu hiệu ho, sổ mũi, tiêu chảy nên càng dễ bị nhầm sang bệnh khác. Có đến 20-30% ca bệnh dưới 12 tháng tuổi bị chẩn đoán nhầm.

Trẻ bị SXH thường có triệu chứng: sốt cao đột ngột, có thể kéo dài từ hai-bảy ngày, mệt mỏi, lừ đừ, buồn nôn, xuất huyết, ăn uống kém… Trẻ lớn có thể kèm theo dấu hiệu: đau đầu, đau cơ, nhức khớp. Bệnh thường diễn tiến nặng kể từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu. Lúc này, người bệnh có các dấu hiệu kèm theo như: đau bụng, xuất huyết dưới da, chảy máu nướu, máu răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, riêng bé gái bước vào tuổi dậy thì có thể xuất huyết âm đạo bất thường. Khi bệnh bước vào giai đoạn nặng trẻ dễ bị sốc, xuất huyết nặng, do đó nếu không điều trị kịp sẽ tử vong nhanh chóng.

TP. HCM vao mua sot xuat huyet
Một bệnh nhi bị SXH đang điều trị tại BV Nhi Đồng 1 (chụp sáng 7/6) – Ảnh: Văn Thanh

BS Nguyễn Trần Nam – Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM khuyến cáo, khí hậu ẩm thấp tạo điều kiện cho siêu vi, vi khuẩn, nấm… phát triển, bệnh hô hấp có khả năng tăng cao. Sự thay đổi khí hậu làm gia tăng các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là viêm mũi dị ứng, hen suyễn. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh tay-chân miệng, thủy đậu cũng sẽ tăng.

Khi mắc bệnh, trẻ thường có các biểu hiện sốt nhẹ hoặc cao, nổi hồng ban bóng nước, ăn uống kém… Do đó, phụ huynh cần tránh cho trẻ bị ướt mưa, rửa tay giúp phòng ngừa được nhiều bệnh, giữ ấm cho trẻ nhưng không được quấn quá nhiều làm trẻ khó chịu, tăng thân nhiệt, gây mất nước… Nếu cha mẹ thấy trẻ có các biểu hiện bất thường như ho, khò khè, sốt, nôn ói, chảy máu mũi, bú kém… nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Văn Thanh/ PNO

Bình luận (0)