Chạy ngược chiều sẽ bị xử phạt rất nặng |
Từ ngày 20-5-2010, Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực. TP.HCM là một trong hai địa phương được chọn thí điểm áp dụng tăng nặng mức xử phạt cao hơn so với các địa phương khác từ 40%-200%. Theo đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM phối hợp cùng các cơ quan chức năng lập phương án xác định ranh giới khu vực nội và ngoại thành để áp dụng mức phạt mới.
Xác định ranh giới
Sở GTVT TP.HCM đưa ra 3 phương án xác định ranh giới nội thành: Phương án 1, Sở GTVT đề nghị sử dụng phân vùng nội, ngoại thành theo Quyết định số 135/2007/QĐ-UBND của UBND TP.HCM. Theo đó, phạm vi áp dụng thí điểm xử phạt tăng nặng các hành vi vi phạm giao thông đường bộ bao gồm tất cả 19 quận nội thành. Đó là các quận từ 1 đến 12 và Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân. Các chuyên viên cho rằng, cách phân định ranh giới này khá thuận lợi cho việc nhận biết của người tham gia giao thông cũng như việc tuần tra xử phạt của CSGT. Phương án 2, vẫn tuân theo phạm vi của phương án 1 nhưng bổ sung các tuyến quốc lộ và trục chính đô thị trên địa bàn các huyện ngoại thành Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi. Cụ thể, như đường Nguyễn Văn Linh, đại lộ Đông Tây, tỉnh lộ 10, đoạn nối đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương (Tân Tạo – Chợ Đệm), đường Phạm Hùng, đường Huỳnh Tấn Phát, đường Nguyễn Hữu Thọ… Với sự bổ sung này, phạm vi được xem là nội thành sẽ phù hợp với tình hình trật tự ATGT trên toàn thành phố, thuận lợi cho lực lượng CSGT xử phạt và cả công tác tuyên truyền… Tuy nhiên hạn chế của phương án 2 là làm tăng khối lượng biển báo cần phải lắp đặt do phát sinh những đường ngang với các tuyến quốc lộ và tuyến trục chính đô thị.
Phương án có nhiều ưu điểm
Sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, Sở GTVT TP.HCM thống nhất chọn phương án 3 vì có nhiều thuận lợi hơn và đang trình UBND TP.HCM quyết định. Theo phương án này, các tuyến trên đường vành đai 2 (thuộc các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và một phần quận 2, 7, 12, Bình Tân, Thủ Đức) và toàn bộ các tuyến đường bên trong vành đai, bao bọc bởi QL 1A (bắt đầu từ nút giao thông Thủ Đức) – Nguyễn Văn Linh – đường dẫn vào cầu Phú Mỹ – cầu Phú Mỹ – vành đai Đông – Nguyễn Thị Định – xa lộ Hà Nội – nút giao thông Thủ Đức sẽ được áp dụng mức phạt theo khu vực nội thành. Đây được xem là lựa chọn tốt nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra xử phạt của lực lượng CSGT. Cách phân ranh này cũng có sự kế thừa giới hạn khu vực nội đô để hạn chế xe tải trước đây theo Quyết định 121/2007/QĐ-UBND được UBND TP.HCM ban hành, quy định về việc hạn chế và cấp phép cho xe ô tô vận tải lưu thông và mở rộng thêm một phần về phía bờ đông sông Sài Gòn. Một ưu điểm nữa của phương án 3 là: Phạm vi xử phạt nhỏ hơn so với hai phương án kia vì thế thuận lợi hơn cho công tác tuần tra, xử phạt của lực lượng chức năng trong giai đoạn thí điểm. Tuy nhiên, hạn chế của nó là phạm vi xử phạt không bao gồm một số khu vực tương đối phức tạp như một số nơi thuộc các quận 2, 7, Bình Tân, Thủ Đức và toàn bộ quận 9. Ngoài ra cũng bỏ sót một số khu vực thuộc ranh địa lý hành chính của tỉnh Bình Dương, như phần QL 1A đoạn từ Trường Đại học Nông lâm đến cầu vượt Sóng Thần.
Thí điểm 3 năm
Thời gian thí điểm vùng nội thành áp dụng mức phạt cao được dự kiến trong 3 năm (từ 20-5-2010 đến 20-5-2013). Sau thời gian thí điểm, Công an thành phố sẽ báo cáo với UBND TP.HCM về kết quả thực hiện, để thành phố báo cáo Chính phủ đề xuất chủ trương thực hiện tiếp theo. Như vậy, theo Nghị định 34 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thay thế Nghị định 146 có hiệu lực từ ngày 20-5-2010. Chỉ có khu vực nội thành tại Hà Nội và TP.HCM áp dụng mức xử phạt vi phạm giao thông cao hơn 40%-200% so với các nơi khác. Theo đó, người đi xe máy vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh, đi vào đường cấm, đi ngược chiều vào đường một chiều… sẽ bị phạt từ 300.000-500.000 đồng và tước bằng lái 30 ngày (mức chung áp dụng ở các nơi khác là 100.000-400.000 đồng). Đối với ô tô, các hành vi dừng đỗ, quay đầu xe không đúng quy định bị phạt 600.000-1.000.000 đồng (tăng gấp đôi so với mức chung). Hành vi vượt đèn đỏ, lái ô tô khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép sẽ bị xử phạt 1-1,4 triệu đồng (mức chung là 600.000-800.000 đồng). Hành vi dừng đỗ, quay đầu xe gây ùn tắc giao thông sẽ bị phạt đến 2 triệu đồng.
Bài, ảnh: Hà Anh Kiệt
Bắt đầu từ ngày 20-5-2010, người vi phạm giao thông ở các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và một phần quận 2, 7, 12, Bình Tân, Thủ Đức phải đóng mức phạt cao gấp nhiều lần so với các khu vực khác trên địa bàn thành phố khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. |
Bình luận (0)