Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM: Vi phạm Luật ATGT “phủ sóng” vùng ven

Tạp Chí Giáo Dục

Bất chấp nguy hiểm, người dân vô tư chạy ngược chiều
Thời gian qua, tại các quận ven và huyện ngoại thành TP.HCM đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng gây tổn thất lớn về tài sản và tước đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội. Phải chăng công tác xử phạt vi phạm trật tự ATGT ở đây đang bị bỏ ngỏ hay người dân không chịu nâng cao ý thức khi tham gia giao thông?
Nghị định 34 – “xưa rồi Diễm”
Còn nhớ, vào thời điểm 20-5-2010, khi Nghị định 34 của Chính phủ về công tác xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thì các ban ngành chức năng, đoàn thể ở 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM ráo riết thực hiện chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân tích cực nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Thời gian đầu, khi công tác xử phạt được triển khai rầm rộ thì tâm lý người tham gia giao thông có phần chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng sau đó, thực trạng người dân vi phạm Luật Giao thông đường bộ lại tái diễn. Lực lượng chức năng phạt thì vẫn phạt còn người dân vi phạm thì cứ vi phạm.
Suốt một tuần có mặt tại cổng Trường ĐH Nông lâm, quận Thủ Đức, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều trường hợp người tham gia giao thông, chủ yếu là sinh viên chạy xe gắn máy mà không đội mũ bảo hiểm (MBH). Trong khi đó, nhiều xe máy kẹp 3, 4 và đi ngược chiều mà không thấy lực lượng chức năng xử lý. Trong khuôn viên Đại học Quốc gia TP.HCM cũng không ngoại lệ. Thực trạng người dân, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: không đội MBH, đi ngược chiều, chở quá số người quy định… xảy ra như cơm bữa và là chuyện bình thường ở đây. Đáng lý ra, nơi tập trung nhiều thành phần trí thức trẻ như sinh viên thì ý thức chấp hành Luật Giao thông phải tốt hơn. Nhưng xem ra “điều ước” giản đơn trên lại khó thực hiện được.
Chị Thanh, người dân bán nước giải khát tại đây bức xúc: “Không hiểu sao, sinh viên ngồi trên xe máy mà đầu trần, chở 3, kẹp 4 chạy vù vù. Tôi nghĩ các ngành chức năng nên xử phạt nghiêm những trường hợp này, chứ tai nạn ngày một tăng mà ý thức kém quá”.
 Thời gian gần đây, tại nút giao thông QL1A – Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh được xem là điểm nóng về số lượng người vi phạm Luật Giao thông về lỗi đi ngược chiều. Trước đây, khi người dân đi trên QL1A, theo hướng về Long An thì có thể lưu thông vào đường An Phú Tây bình thường. Nhưng khi cầu vượt Nguyễn Văn Linh được đưa vào sử dụng thì bịt luôn lối đi này. Do đó, người dân phải chạy xuống giao lộ Bùi Thanh Khiết – QL1A (gần 3km) và chạy ngược lại mới có thể rẽ vào đường An Phú Tây. Bất chấp nguy hiểm, nhiều người đi ngược chiều để tiết kiệm thời gian. Vì vậy, số vụ va quẹt xảy ra tại đây ngày một tăng. Đáng nói hơn, khi có lực lượng CSGT đứng chốt thì nhiều người dân tắt máy, dẫn bộ ngược chiều. Nhiều lúc cả đoàn xe máy nối đuôi nhau dắt bộ qua mặt CSGT, nhìn rất phản cảm. Sau khi “thoát khỏi tầm mắt” của lực lượng này, họ lại nổ máy chạy bình thường.
Tương tự, dọc theo QL1A, đoạn đi qua các quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân… cũng thường xuyên xảy ra tình trạng người đi xe máy ngược chiều vừa làm xấu hình ảnh văn hóa giao thông vừa gây nguy hiểm cho các phương tiện khác cùng lưu thông trên đường.
Cần những giải pháp căn cơ, kịp thời
Lý giải về việc người dân đi ngược chiều tại nút giao thông QL1A – Nguyễn Văn Linh, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã An Phú Tây cho biết: “Khi cầu vượt Nguyễn Văn Linh đưa vào sử dụng thì lối rẽ vào đường An Phú Tây bị bịt lại nên hiện tượng người dân đi ngược chiều mới xảy ra. Về sự bất hợp lý tại nút giao thông trên, chúng tôi đã gửi văn bản kiến nghị lên UBND, Công an huyện Bình Chánh và Đội CSGT An Lạc về việc mở rộng và nâng cấp tuyến đường liên ấp 2-3 để thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Và dự kiến, đầu năm 2012 sẽ tiến hành khởi công”.
Theo một cán bộ CSGT thì: “Cầu vượt Nguyễn Văn Linh tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông trên QL1A nhưng lại gây bất tiện cho người dân nơi đây vì phải đi đường vòng rất xa mới vào được đường An Phú Tây, trong khi đó giá xăng lại tăng cao. Về trách nhiệm, chúng tôi thường xuyên trực chốt để hạn chế người dân đi ngược chiều. Nếu chúng tôi không phạt thì không được mà phạt quá thì dân kêu ca”. Cũng theo ý kiến của cán bộ này thì nên làm tuyến đường song hành với QL1A dành riêng cho xe gắn máy. Như vậy mới hạn chế được tình trạng người dân đi ngược chiều.
Thiết nghĩ, công tác tuần tra xử lý và tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân khi tham gia giao thông cần phải được làm xuyên suốt, trải đều. Đồng thời, các ngành chức năng nên khảo sát và phân luồng giao thông tại những tuyến đường chưa hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông. Bên cạnh đó, người dân cũng nên tự giác chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Có như vậy, số vụ TNGT cũng như những nguy cơ đi kèm với các vi phạm ở các quận, huyện vùng ven mới được kéo giảm.
Bài, ảnh: Hoàng Thuận

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2011, tình hình TNGT trên địa bàn TP.HCM tăng so với cùng kỳ 2010. Toàn thành phố đã xảy ra 520 vụ TNGT đường bộ (tăng 4%), làm chết 443 người (tăng 6%), bị thương 283 người (tăng 46%) và có xu hướng chuyển sang các quận, huyện vùng ven.

 

Bình luận (0)