Sáng 18-11, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức lễ vinh danh 14 nhà giáo ưu tú và trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024 cho 50 thầy cô giáo đã có nhiều cống hiến đối với sự phát triển của ngành GD-ĐT TP.
“TP.HCM tự hào có đội ngũ nhà giáo yêu nghề, nhiệt tâm, nhiệt huyết, chuyên môn giỏi…”
Tham dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chúc mừng 14 thầy cô được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú và 50 thầy cô nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024. Thay mặt Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, bà ghi nhận, biểu dương và tri ân công lao đóng góp của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, chúc mừng thành tựu mà thầy cô giáo và ngành GD-ĐT TP đã đạt được trong suốt những năm qua.
Theo bà, TP.HCM tự hào có đội ngũ nhà giáo yêu nghề, thương học sinh, nhiệt tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm và có chuyên môn giỏi; nhiều thầy giáo, cô giáo là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và trách nhiệm với nghề; không ngừng đổi mới sáng tạo, đạt thành tích xuất sắc trong giảng dạy và các phong trào thi đua yêu nước.
Bà cho biết, lãnh đạo TP, lãnh đạo Sở GD-ĐT luôn quan tâm, tạo điều kiện để các thầy cô có thể phát triển chuyên môn của mình một cách thuận lợi nhất. Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh với nghề; có những thầy cô đã dành cả tuổi xuân, bền bỉ, kiên trì bên các em học sinh khiếm khuyết. Bên cạnh là nhân viên bảo vệ, nhân viên y tế, hay các bộ phận gián tiếp khác trong các cơ sở giáo dục, các phòng GD-ĐT… vẫn đang ngày ngày cố gắng làm tốt nhất vai trò trách nhiệm của mình vì sự nghiệp giáo dục chung… đều xứng đáng được tôn vinh.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, yêu cầu nhiệm vụ của ngành GD-ĐT TP đòi hỏi tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh phải không ngừng đổi mới cả về lượng và chất cho sự phát triển chung. Lãnh đạo TP sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo dục. Việc ghi nhận, biểu dương những đóng góp của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục càng cần thiết, tạo động lực để thầy cô tiếp tục đóng góp vào việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và đất nước.
Bà bày tỏ mong muốn các thầy cô giáo tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực và đổi mới phương pháp dạy học; quan tâm, chăm sóc, yêu thương học sinh bằng cả trái tim và sự bao dung, độ lượng; đánh thức tiềm năng, khơi dậy và phát triển nội lực trong học sinh; hướng dẫn học sinh biết tự học, tự nghiên cứu, biết tìm tòi, để từ đó học sinh phát triển tư duy – trí tuệ, không ngừng hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng thế hệ trẻ vừa giữ được bản sắc dân tộc, sẵn sàng hội nhập quốc tế, trở thành những công dân toàn cầu, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của sự phát triển đất nước.
Trong công tác giáo dục học sinh, người thầy từng ngày tự hoàn thiện mình
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, trong suốt thời gian qua, ngành GD-ĐT TP đã phát triển không ngừng, giữ vững vị trí lá cờ đầu trong GD-ĐT cả nước. Đó chính là nhờ vào sự lao động bền bỉ, sự đóng góp của mỗi cá nhân thầy cô giáo, nhân viên ngành giáo dục. Đồng thời là sự quan tâm, động viên khích lệ kịp thời của các cấp lãnh đạo, sự đồng hành của phụ huynh học sinh, doanh nghiệp ngành giáo dục.
Ông Hiếu ghi nhận sự đóng góp đầy trách nhiệm của các thầy cô, cán bộ quản lý, nhân viên đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục, ngày đêm tận tụy với công việc, góp phần đào tạo những học sinh đủ đức đủ tài, có ý thức trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Dù thực tế, đôi khi, đâu đó vẫn còn hiện tượng phụ huynh bức xúc với thầy cô, xã hội chưa hài lòng về giáo dục, danh dự nhà giáo có lúc bị tổn thương. Đi cùng với sự cao quý và vinh quang của nghề là bao khó nhọc, là trách nhiệm nặng nề, thách thức, áp lực.
Ông nhấn mạnh, nhà giáo không chỉ mang đến cho học sinh tri thức khoa học, bồi dưỡng năng lực mà còn có trách nhiệm giúp các em rèn luyện đạo đức, hình thành các phẩm chất cao đẹp. Người thầy quan tâm, chăm sóc, yêu thương học sinh bằng cả trái tim và sự bao dung, độ lượng; đánh thức tiềm năng, khơi dậy và phát triển nội lực trong học sinh; hướng dẫn học sinh biết tự học, tự nghiên cứu, biết tìm tòi, để từ đó học sinh phát triển tư duy, trí tuệ, không ngừng hoàn thiện nhân cách. Cũng chính trong công tác giáo dục học sinh, người thầy từng ngày tự hoàn thiện mình; tu dưỡng đạo đức, giữ gìn đạo đức nhà giáo; thái độ ứng xử, hành vi chuẩn mực phải đủ làm gương cho học sinh.
“Chúng ta tự hào về những thầy cô giáo vững tâm, vững ý phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà giáo; các thầy cô lặng lẽ vượt qua khó khăn miệt mài lao động, học tập, rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp đào tạo của nhà trường, ngành giáo dục và cho đất nước. Chất lượng giáo dục không chỉ thể hiện qua kết quả các kỳ thi học sinh giỏi, tốt nghiệp THPT, hiệu suất đào tạo mà còn thể hiện qua niềm vui, sự yêu thích đến trường của học sinh. Dù mỗi bậc học đều có những khó khăn, vất vả riêng nhưng các thầy cô đã nỗ lực, sáng tạo không ngừng. Nhiều thầy cô là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn và trách nhiệm với nghề; không ngừng đổi mới sáng tạo, đạt thành tích xuất sắc trong giảng dạy và các phong trào thi đua yêu nước” – ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.
Yến Hoa
Bình luận (0)