Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 tại TP.HCM được gọi là “kỳ thi lịch sử”. Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP liên tục xuất hiện thêm nhiều diễn biến, kỳ thi phải thực hiện cùng lúc nhiều mục tiêu: vừa thực hiện nghiêm túc, minh bạch, tuân thủ nghiêm ngặt quy chế thi của Bộ GD-ĐT; vừa đảm bảo thật tốt các biện pháp phòng chống dịch; vừa giúp phụ huynh, thí sinh và cả cán bộ, giáo viên nhân viên…, an toàn, an tâm trong suốt thời gian thi.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan (ngoài cùng bên trái) và Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu (ngoài cùng bên phải) kiểm tra phương án tổ chức thi an toàn tại một số điểm thi chiều 6-7
Kỳ thi lịch sử
“Các cháu hồi hộp bao nhiêu, các chú cũng vậy” – là lời chia sẻ hết sức “thật thà” được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan bày tỏ đến thí sinh trước thềm kỳ thi diễn ra khi đi kiểm tra công tác tổ chức thi tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Trãi (Q.Gò Vấp). Gọi kỳ thi năm nay là một “kỳ thi lịch sử” bởi được diễn ra trong điều kiện dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, công tác đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong mỗi điểm thi phải được đặt lên trên hết. Đảm bảo giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thực hiện quy tắc 5K, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, vệ sinh khử khuẩn phải được duy trì và tuân thủ tuyệt đối trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.
“Khi đưa ra chủ trương tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch bệnh, lãnh đạo TP và các sở, ban ngành đã nâng lên, hạ xuống, cân nhắc rất nhiều lần. Lãnh đạo TP rất ghi nhận những nỗ lực và hiểu những mệt mỏi, áp lực của các cháu. Các cháu hồi hộp bao nhiêu thì các chú cũng vậy. Các cháu hãy cố gắng tập trung cho kỳ thi. Sau thi, dù thoải mái nhưng cũng cố gắng giữ gìn tính tích cực, hạn chế tiếp xúc. Bởi vì, tình hình hiện nay dịch bệnh rất căng thẳng. Đừng quá vui đùa, đừng quá vui mừng khi đã thi xong, như vậy sẽ có nguy cơ cao”, lãnh đạo TP nhắn nhủ.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam, để có thể đạt được các mục tiêu kép đã đặt ra trong “kỳ thi lịch sử”, đặc biệt là đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong kỳ thi, UBND TP, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT TP đã quyết liệt chỉ đạo Sở GD-ĐT TP cùng các tổ chức, ban, ngành liên quan triển khai hàng loạt các biện pháp mạnh, với sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị. Các phương án tổ chức thi an toàn được triển khai trên toàn bộ 155 điểm thi với sự tham mưu của ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 từng địa phương, sao cho phù hợp nhất với điều kiện, đặc thù riêng của từng điểm thi. Ngay trước ngày thi, sở đã ra quyết định thay đổi 8 trưởng, phó điểm thi, điều động bổ sung thay đổi 660 cán bộ coi thi từ phòng GD-ĐT và các trường THPT cho 145 điểm thi do nhân sự ban đầu không tham gia công tác vì không thực hiện quy định phòng chống dịch. Do đã phân công cán bộ dự phòng ngay từ ban đầu (6 người/điểm thi) do vậy sở không bị động trong khâu thay đổi nhân sự.
“Trong thời gian kỳ thi diễn ra, các điểm thi luôn bám sát diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn TP để có sự tăng cường, siết chặt hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh. Phương án tổ chức thi an toàn cũng đã được điều chỉnh ở một số điểm thi trước các tình huống phát sinh như chia đôi phòng thi, phân luồng di chuyển, tổ chức thi riêng cho một số thí sinh có nguy cơ sau buổi thi, tiếp tục tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho một số thí sinh có nguy cơ…”, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP thông tin.
Thông tin thêm về phương án xử lý với các tình huống phát sinh trong kỳ thi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở GD-ĐT TP đã có tham mưu với Sở Y tế, HCDC TP dự trù từ trước các phương án phòng chống dịch khi phát sinh các trường hợp tình huống bất ngờ mới phát sinh trong kỳ thi. Trong đó đặt ra những tình huống cụ thể, chặt chẽ để các điểm thi có thể hành động nhanh chóng, chính xác, đảm bảo về phòng chống dịch. Trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh hoàn tất kỳ thi song phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. “Các tình huống đó đã được TP quyết liệt xử lý, rất kịp thời đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho thí sinh, điểm thi; tính toán nhiều yếu tố, siết chặt thêm nữa các biện pháp phòng dịch, tạo tâm lý an tâm cho thí sinh, phụ huynh, cán bộ giáo viên, nhân viên tại điểm thi”.
Đáp ứng nguyện vọng của hầu hết phụ huynh và thí sinh
Kết thúc kỳ thi, nhìn lại kỳ thi lịch sử, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, việc tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch bệnh thực sự rất khó khăn, được sở tính toán dựa trên nguyện vọng của hầu hết thí sinh TP.
Qua khảo sát trên 85 ngàn phụ huynh, học sinh, kết quả cho thấy nguyện vọng của phụ huynh, học sinh có mâu thuẫn với nhau. Tổng số thí sinh có nguyện vọng mong muốn tổ chức thi đợt 1 chiếm hơn 64%, trong đó có 30% là phụ huynh an tâm đồng ý cho thi, khoảng 34% phụ huynh không an tâm nhưng vẫn đồng ý cho con thi. “Điều này cho thấy mong muốn thi của học sinh TP rất là lớn. Là một giáo viên, tôi hiểu kết thúc năm học áp lực bước vào kỳ thi đối với thí sinh. Tôi cũng đã tiếp xúc nhiều với các em, các em bày tỏ rất mệt mỏi khi phải chờ đợi kỳ thi vào lần 2, không biết khi nào thi đợt 2 và lúc đó nội dung kiến thức ôn tập sẽ rất nặng nề…”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin tại cuộc họp báo về kỳ thi vào tối ngày 8-7.
Theo ông Hiếu, ngay khi TP ban hành quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM theo 2 đợt như lịch của Bộ GD-ĐT thì hầu hết thí sinh lại đăng ký dự thi đợt 1 với số lượng thí sinh đăng ký lên đến 95,26%. Như vậy, kể cả các thí sinh cho rằng không an toàn và không đi thi trong khảo sát cũng đã quyết định đăng ký dự thi “Con số cho thấy nguyện vọng của thí sinh được thi đợt 1 là rất lớn. Sở GD-ĐT TP tham mưu lãnh đạo TP quyết định tổ chức kỳ thi cũng căn cứ trên chính mong muốn, nguyện vọng của học sinh là chủ yếu”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Trong suốt hai ngày thi, theo thống kê của Sở GD-ĐT TP, tỷ lệ thí sinh tham gia dự thi là rất cao. Ở nhiều điểm thi đạt số lượng thí sinh tham gia tuyệt đối. “Nhìn chung, ở tất cả các môn thi, tỷ lệ vắng chỉ dao động từ 3-4%. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay thì số thí sinh dự thi thế này là rất cao”, ông Hiếu khẳng định.
Việc khử khuẩn, vệ sinh; quy tắc 5K; giữ khoảng cách; đeo khẩu trang; rửa tay sát khuẩn… là những yêu cầu được các điểm thi duy trì trong suốt thời gian kỳ thi diễn ra đối với cả thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh. Lãnh đạo TP cùng Sở GD-ĐT TP đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các điểm thi trước và trong khi kỳ thi diễn ra, đánh giá và chỉ đạo kịp thời về phương án phòng chống dịch. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, trong quá trình tổ chức kỳ thi với tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, tại một số điểm thi đã có một số trường hợp học sinh F0, F1. Về điều này, Sở GD-ĐT TP rất chia sẻ với phụ huynh, thí sinh. Sở cũng đã đến động viên thăm hỏi, chia sẻ, cũng mong các em mau chóng phục hồi, tiếp tục công việc học hành của mình.
“Cho đến thời điểm này, khi kỳ thi đã kết thúc, tôi cho rằng “kỳ thi lịch sử” đã đạt được những thành công nhất định. Bao gồm, thành công về khâu tổ chức nghiêm túc, minh bạch, công khai, đúng quy chế; Thành công về khâu phòng chống dịch trong điểm thi… Qua kỳ thi, ngành giáo dục cũng rút ra thêm nhiều bài học kinh nghiệm trong khâu tổ chức thi. Nhiều cách làm hay, mô hình tốt mà tôi cho rằng có thể nhân rộng để áp dụng cho các kỳ thi sau. Đó là khâu tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông trước cổng điểm thi để phụ huynh không tụ tập quá đông; khâu hướng dẫn thí sinh lên thẳng phòng thi; bố trí thí sinh ra về lệch giờ để không gây ùn tắc, nhốn nháo trước cổng điểm thi. Ở một số địa phương như quận 1 còn trưng dụng các điểm trường khác để làm nơi dừng chân nghỉ trưa cho phụ huynh, thí sinh ở xa, giúp thí sinh phụ huynh an tâm trong mùa thi…”, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)