Năm học 2020-2021, TP.HCM có 554 trường tiểu học với 75,8% học sinh được học 2 buổi/ngày. Riêng với lớp 1, toàn TP có 134.452 học sinh, tỷ lệ học 2 buổi/ngày đạt 82,6%. Kết thúc năm học đầu tiên triển khai chương trình mới, SGK mới, hơn 98% học sinh lớp 1 toàn TP đã đạt được yêu cầu đề ra của chương trình.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP.HCM
Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP.HCM.
+ Phóng viên: Năm đầu tiên triển khai chương trình mới, theo ông, TP.HCM đã nỗ lực nhất ở vấn đề nào?
– Ông Nguyễn Văn Hiếu: Phải nói rằng TP.HCM là địa phương chịu áp lực rất lớn về sĩ số học sinh đầu cấp, gần như là đứng đầu cả nước. Mỗi năm, áp lực này lại gia tăng, đè nặng lên hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp của TP. Đây là khó khăn lớn nhất khi TP triển khai chương trình mới, SGK mới.
Tuy vậy, từng quận huyện đã rất nỗ lực mở rộng hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, dành phòng học để thực hiện chương trình mới, nâng cao tỷ lệ học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày. Trong 50 dự án được đưa vào sử dụng năm 2020 thì có tới 28 dự án tiểu học với 429 phòng học, tăng thêm 240 phòng so với năm 2019. Tổng kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị năm 2020 ở khối tiểu học là 183.536 triệu đồng. Kết quả, năm học 2020-2021, TP có 554 trường tiểu học với 75,8% học sinh được học 2 buổi/ngày. Riêng với lớp 1, tỷ lệ học 2 buổi/ngày đạt 82,6%. Đặc biệt, ở một số quận, huyện như Q.8, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và huyện Hóc Môn, Củ Chi, tỷ lệ này đạt 100%. Nhìn chung, các quận huyện đều rất cố gắng tăng tỷ lệ học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày so với tỷ lệ chung toàn quận, huyện. Điều này là cực kỳ đáng ghi nhận, nhất là ở các quận huyện vốn được xem là điểm nóng trong tuyển sinh đầu cấp như Q.12 (tỷ lệ chung toàn quận chỉ là 27,7% nhưng tỷ lệ học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày trên địa bàn quận đạt tới 40,4%), Q.Tân Phú (tỷ lệ chung toàn quận là 27,1%, tỷ lệ lớp 1 là 36,7%)…
Dù nỗ lực song việc không thể tổ chức được 100% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày, sĩ số học sinh/lớp đông cũng sẽ là rào cản, thách thức lớn đối với các quận, huyện trong việc hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh trong chương trình mới. Để khắc phục hạn chế này, nhiều quận huyện đã có những cách làm cực kỳ sáng tạo, phù hợp với đặc thù địa phương và mang lại hiệu quả giáo dục cao. Đơn cử như Q.Tân Phú, nhằm tăng số lượng, thời lượng dạy học 2 buổi/ngày quận đã mạnh dạn thí điểm mô hình dạy học trực tuyến ở buổi thứ 2; Nhiều quận, huyện thiết kế dạy trên 6 buổi/tuần để tăng cường thêm các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, dạy ngoại ngữ, tin học cho học sinh…
+ Còn nhớ thời điểm gần kết thúc HKI năm học 2020-2021, nhiều phụ huynh than chương trình mới khó, nặng, thậm chí một bộ phận giáo viên cũng cho rằng chương trình mới, SGK mới áp lực. Sau một năm nhìn lại, ông nhận định về câu chuyện này như thế nào?
TP.HCM đã rất nỗ lực thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, SGK mới ở lớp 1 năm học 2020-2021
– Trước khi bắt tay vào triển khai Chương trình GDPT 2018, SGK mới, 100% cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy lớp 1 toàn TP đã được bồi dưỡng theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ngoài nỗ lực về cơ sở vật chất, công tác bồi dưỡng giáo viên được TP.HCM coi là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả chương trình mới. TP cũng là địa phương hoàn thành sớm nhất cả nước công tác này.
Bước vào triển khai, đa số giáo viên đều đã áp dụng, thực hiện việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Phòng GD-ĐT các quận, huyện đã có nhiều giải pháp chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Những khó khăn, vướng mắc trong năm đầu tiên triển khai chương trình đã được các phòng giáo dục kịp thời gỡ khó; các sáng kiến mô hình hay cũng được nhân rộng…
Tuy nhiên, năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, có nhiều thời điểm việc dạy – học phải thực hiện qua internet, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, tâm lý phụ huynh học sinh. Cạnh đó, vẫn còn một số giáo viên thời gian đầu triển khai chương trình còn khó khăn, lúng túng trong đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức hoạt động cho học sinh. Những nguyên nhân này cộng với tâm lý nóng vội khi triển khai chương trình đã khiến phụ huynh và cả giáo viên cho rằng chương trình nặng, khó, áp lực… Qua HKII, các khó khăn này đều đã được khắc phục.
Kết thúc năm học, hơn 98% học sinh lớp 1 toàn TP đã đạt được yêu cầu đề ra của chương trình. Đánh giá của các nhà trường, các em rất tự tin, tích cực trong quá trình học tập, đạt được phẩm chất, năng lực cần thiết. Nhất là trong môn tiếng Việt, các em đọc và viết thành thạo hơn so với chương trình trước; Trong khi đó, môn hoạt động trải nghiệm lại hình thành cho học sinh những năng lực thích ứng với cuộc sống, khám phá tối đa thế mạnh của bản thân… Hơn 1% học sinh chưa hoàn thành chương trình, sở đã chỉ đạo các đơn vị nhà trường rà soát từng học sinh, có kế hoạch giúp đỡ, chia tách các nhóm đối tượng học sinh khuyết tật học hòa nhập để “không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.
Đặc biệt, một thành công đáng ghi nhận nữa của TP.HCM khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 đó là tỷ lệ học sinh lớp 1 được học ngoại ngữ và tin học ở mức rất cao. Cụ thể, có tới 97,6% học sinh được học tiếng Anh, 68,2% học sinh được học tin học. Đây là điều kiện thuận lợi để học sinh TP có cơ hội chuẩn bị nền tảng ngoại ngữ, tin học từ bậc tiểu học, hình thành các kỹ năng của công dân toàn cầu.
+ Theo ông, bài học kinh nghiệm nào của năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở lớp 1 được TP.HCM rút ra để thực hiện hiệu quả hơn cho năm học tiếp theo ở bậc lớp 2 và lớp 6?
– Tuy có nhiều khó khăn, thách thức nhưng khép lại năm học 2020-2021 TP.HCM đã hoàn thành tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa thực hiện Chương trình GDPT hiện hành, triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Từ thành quả đạt được, để triển khai tốt Chương trình GDPT 2018, SGK mới trong năm học tới, TP.HCM sẽ tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, công tác truyền thông, phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa với phụ huynh học sinh. Ngoài ra, để chủ động, từng nhà trường, giáo viên cũng cần dự báo những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những giải pháp giải quyết khó khăn khi thực hiện chương trình theo đặc thù đơn vị. Đặc biệt, mỗi nhà trường cần làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng cho giáo viên, kiên định với mục tiêu đổi mới giáo dục, không nóng vội trước tình hình lớp vào đầu năm học do các yếu tố khách quan như ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian tập trung học sinh ổn định nề nếp ngắn. Giáo viên phải thường xuyên trao đổi, phối hợp với phụ huynh, hướng dẫn phụ huynh đồng hành cùng con trong quá trình học tập theo chương trình mới.
+ Xin cảm ơn ông!
Đỗ Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)