Thông tin UBND TP.HCM ra chủ trương giao lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) thành phố tổ chức quản lý khai thác, bảo trì tuyến đường đại lộ Đông Tây, khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng thành phố đang thí điểm xã hội hoá công tác quản lý khai thác, bảo trì đường bộ hay chỉ ưu ái cho lực lượng TNXP?
Đại lộ Đông Tây đoạn qua quận 2 trước giờ khánh thành cách đây hơn một tháng. Ảnh: Từ An
|
Trong một văn bản vừa phát đi, ngoài việc nhắc lại chủ trương trên, văn phòng UBND TP.HCM dẫn ý kiến của phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo: Giao chỉ huy trưởng lực lượng TNXP thành phố chủ trì, phối hợp với sở Nội vụ, sở Giao thông vận tải, sở Xây dựng và sở Tài chính để nghiên cứu xây dựng đề án tổ chức quản lý khai thác, bảo trì tuyến đường đại lộ Đông Tây TP.HCM, báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định trong tháng 1.2012.
Ông Phan Phùng Sanh, phó chủ tịch thường trực hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM cho rằng, lực lượng TNXP là đơn vị không có chuyên môn, kinh nghiệm và bộ máy quản lý, khai thác, bảo trì cầu, đường nên rất khó đảm trách được việc làm này một cách hiệu quả.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực giao thông khuyến cáo: Đại lộ Đông Tây là trục đường quan trọng của thành phố nên nhất thiết cần có quy trình quản lý, khai thác chặt chẽ. Do đó, cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định nhằm tránh những tổn thất không đáng có.
Còn theo ông Sanh, sở Giao thông vận tải mà cụ thể là các khu quản lý giao thông đô thị là đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm và chuyên môn quản lý các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM. Từ trước đến nay các công trình cầu đường được đầu tư bằng vốn ngân sách đều do lực lượng này quản lý khai thác, bảo trì. Nếu thành phố có ý định xã hội hoá quản lý, bảo trì đường bộ mà giao cho TNXP thì chắc nhiều người ủng hộ. Việc làm này sẽ tạo ra tiền lệ tốt, lôi kéo được nhiều đơn vị tham gia vào lĩnh vực bảo trì đường bộ vốn luôn được coi là trầm ê của TP.HCM.
“Tuy nhiên, muốn xã hội hoá công việc này thì nhất thiết thành phố phải chọn những đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm, sau đó đưa ra tiêu chí để các đơn vị đó tham gia đấu thầu. Như vậy mới gọi là xã hội hoá. Nếu chỉ là ưu ái mà giao cho TNXP thì không công bằng”, ông Sanh nói.
Ở một góc nhìn khác, luật sư Thái Văn Chung, tổng thư ký hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM cho rằng, trong lĩnh giao thông chỉ nên xã hội hoá việc đầu tư, xây dựng, chứ không nên xã hội hoá công tác quản lý khai thác, bảo trì đường bộ, vì như vậy chỉ thêm rối.
Ông Chung dẫn chứng, từ trước đến nay người dân bức xúc chuyện thành phố chậm duy tu, sửa chữa tuyến đường này, đường nọ thực tế không phải lỗi của các khu quản lý giao thông đô thị, mà lỗi là ở chỗ ngân sách nhà nước chậm rót tiền để sửa chữa, duy tu. “Nếu xã hội hoá thì cũng chờ tiền ngân sách và như thế thì mọi việc cũng chẳng thay đổi tốt hơn so với cách quản lý khai thác, bảo trì như hiện nay”, ông Chung nhận định.
Theo Đào Lê
(SGTT)
Bình luận (0)