Sở GD-ĐT TP.HCM xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên (GDTX) năm học 2024-2025.
Sáng 9-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với GDTX.
Tại đây, ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT TP xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ GDTX. Bao gồm:
– Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập
– Triển khai thực hiện các tiêu chí thành phố học tập với tư cách thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
– Tăng cường công tác tham mưu, củng cố mạng lưới cơ sở GDTX và thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở GDTX.
– Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ
– Huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ GDTX tại các địa phương. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên trong các cơ sở GDTX.
– Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về GDTX.
– Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về GDTX, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
– Đẩy mạnh các phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng, tích cực tham gia xây dựng chính sách về GDTX.
Ông Dương Trí Dũng đánh giá cao nỗ lực của các trung tâm GDTX trong năm học 2023-2024, góp phần giúp GDTX ngày càng có vị trí quan trọng trong toàn ngành giáo dục TP.
Theo ông Dũng, khác với các bậc học khác, chỉ riêng GDTX mới được nhắc đến và gắn liền với nhiều từ khóa mang tính lan tỏa như “mạng lưới”, “cộng đồng”, “xã hội”, “toàn cầu”, hướng đến thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí cho người dân thành phố.
Trong năm học, các trung tâm GDTX, học tập cộng đồng đã xây dựng các thiết kế học tập cộng đồng phù hợp, hoạt động rất đều tay; các hội thi do Sở GD-ĐT tổ chức không chỉ có sự tham gia của trung tâm GDTX mà còn có các trung tâm ngoại ngữ tin học, thể hiện sự nỗ lực cố gắng đổi mới dạy và học, nỗ lực chuyển đổi số của các đơn vị.
Năm học 2024-2025, ông Dương Trí Dũng yêu cầu các trung tâm tiếp tục phải thay đổi theo chiều hướng áp dụng CNTT sâu rộng, từ hoạt động quản trị dạy học, đánh giá học sinh, quản lý học sinh, số hóa… Chuyển đổi số sẽ góp phần giúp hoạt động trung tâm GDTX, học tập cộng đồng đi vào chiều sâu, lấy được niềm tin của phụ huynh, xã hội; Các trung tâm học tập cộng đồng phường xã cần có hình thức tổ chức linh hoạt phù hợp.
Tập trung công tác chuyển đổi số; Nâng cao chất lượng trung tâm hoạt động cộng đồng.
Với riêng trung tâm GDTX có cấp THPT, năm học 2024-2025 là năm cuối cùng Chương trình GDPT 2018 triển khai đến lớp 12 và cũng là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.
Ông Dương Trí Dũng đề nghị các trung tâm GDTX cần tập trung thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn, chuẩn bị tốt nhất cho học viên thành phố; Phòng Chuyên nghiệp đại học sẽ phối hợp với Phòng Trung học – Sở GD-ĐT, cùng các phòng GD-ĐT kịp thời bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn truyền tải văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT liên quan đến công tác ôn tập cho kỳ thi, giúp học viên có tâm thế tốt nhất cho kỳ thi năm học tới…
Báo cáo tại lễ tổng kết, ông Cao Minh Quý – Trưởng phòng GDTX – CN&ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2023-2024, TP.HCM có 31 trung tâm GDNN-GDTX, GDTX.
Đi đôi với chuyển đổi hình thức dạy học, việc đánh giá, xếp loại học viên theo chương trình GDTX cấp THCS, cấp THPT cũng được điều chỉnh phù hợp tình hình tổ chức dạy học. Công tác kiểm tra đánh giá học viên đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định, khách quan, phản ánh đúng thực chất trình độ người học.
Ngoài dạy văn hóa chương trình GDTX, các trung tâm đang dần đa dạng hóa nội dung chương trình giáo dục, thu hút nhiều người tham gia học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Các trung tâm tiếp tục tổ chức các lớp học theo chương trình GDTX bậc THPT kết hợp với trung cấp nghề theo quy định của Bộ GD-ĐT nhẳm phân luồng học sinh sau THCS.
Đề xuất chuyển giao trung tâm GDNN-GDTX về Sở GD-ĐT TP.HCM quản lý Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện các trung tâm GDTX TP.HCM còn gặp khó khăn trong xây dựng phòng học bộ môn, thực hành thí nghiệm, thiết bị dạy học. Hầu hết các trung tâm khó khăn trong việc đảm bảo số phòng học, phòng học bộ môn, phòng học chức năng và thiết bị còn thiếu theo quy định, nguyên nhân là các trung tâm được giao dự toán và kinh phí chủ yếu dựa trên biên chế nhân sự. Một số cơ sở hiện không thể tổ chức giảng dạy và không đủ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, vệ sinh. Đặc biệt, các trung tâm GDNN-GDTX chịu sự quản lý của UBND TP.Thủ Đức và quận, huyện, Sở GD-ĐT chỉ đạo hoạt động chuyên môn về GDTX, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo chuyên môn hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chưa có sự phối hợp, đôi khi còn chồng chéo trong công tác chỉ đạo. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động của các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn TP từ sau khi sáp nhập theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV, Sở Nội vụ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thống nhất đề xuất, kiến nghị giao Sở GD-ĐT TP.HCM trực tiếp quản lý trung tâm GDNN-GDTX; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo hoạt động chuyên môn GDNN. Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc chuyển giao trung tâm GDNN-GDTX về Sở GD-ĐT đang gặp vướng mắc do quy định tại khoản 1, Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 39 vẫn còn hiệu lực. Sở GD-ĐT tham mưu UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ hướng dẫn UBND TP giải quyết vướng mắc liên quan. |
Yến Hoa
Bình luận (0)