Sáng 7-2, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng đề án thu hút giáo viên tiểu học. Đề án sau khi hoàn thiện sẽ được trình HĐND TPHCM để ban hành Nghị quyết thu hút, giữ chân giáo viên tiểu học.
TP.HCM tổ chức hội nghị đóng góp xây dựng Đề án thu hút giáo viên tiểu học
Trong 3 năm, hơn 2.700 giáo viên tiểu học rời khỏi ngành
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng – Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học báo cho biết, tính đến ngày 22-12-2022, quy mô giáo dục tiểu học TP.HCM trong năm học 2022-2023 là 663.426 học sinh. Số phòng học là 17.197, số giáo viên là 24.789.
Căn cứ điều lệ trường tiểu học 35 học sinh/lớp thì thành phố phải cấn đến 18.955 lớp học, tương đương với 18.955 phòng học; số lượng giáo viên tiểu học căn cứ theo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lóp thì thành phố cần đến 28.432 giáo viên. Như vậy, hiện thành phố còn thiếu 1.758 lớp học, phòng học và thiếu 3.643 giáo viên.
“Do số lượng giáo viên còn thiếu là 3.643 giáo viên, tương đương với 12,8% số lượng giáo viên cần có. Điều này có nghĩa là mỗi giáo viên hiện nay phải choàng gánh công việc nhiều hơn 12,8% so với số lượng công việc thực tế mà họ chỉ đảm nhiệm”- ông Hoàng nhận định.
Bên cạnh đó, trong 3 năm học gần đây từ năm học 2020-2021 đến nay, giáo dục tiểu học thành phố còn có 219 cán bộ quản lý và 2.483 giáo viên rời khỏi ngành giáo dục. Trong đó, một phần do dịch bệnh gây ra ảnh hưởng nặng nề đến đội ngũ, phần khác rời khỏi ngành giáo dục vì đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ với 1.181 người, nghỉ việc là 1.233 người.
Tổng số đội ngũ rời khỏi ngành giáo dục so sánh với thực trạng hiện có như sau: Về cán bộ quản lý là 219/1.352, tương đương với tỷ lệ 16,20%; giáo viên là 2.483/24.789, tương đương với tỷ lệ 10,01%.
Đại diện Phòng Giáo dục Tiểu học thông tin, căn cứ vào dữ liệu, số lượng giáo viên nhiều môn trong ba năm qua được tuyển dụng gần đủ với nhu cầu tuyển dụng. Các giáo viên còn lại số lượng tuyển thiếu nhiều so với nhu cầu, đặc biệt là giáo viên mỹ thuật, tin học và tổng phụ trách hàng năm số lượng tuyển dụng được chỉ xấp xỉ bằng 10% so với nhu cầu cần tuyển.
Nhu cầu tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ là rất cao, chỉ đứng sau nhu cầu tuyển dụng giáo viên nhiều môn, tuy nhiên số lượng giáo viên ngoại ngữ tuyển dụng được chỉ đạt được xấp xỉ 25% so với nhu cầu, do đó, tình trạng thiếu hụt giáo viên ngoại ngữ vẫn còn là một vấn đề đặc biệt cần lưu ý.
Trong khi đó, số liệu sinh viên được đào tạo và tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong ba năm từ 2020-2022, tổng số giáo viên tốt nghiệp là 1.231 giáo viên, trong đó có 400 giáo viên có nơi sinh tại TP.HCM (giáo viên tiểu học là 597 và 188 sinh tại TP.HCM). Số liệu này cho thấy nguồn giáo viên đào tạo từ ĐH Sư phạm TP.HCM là không đủ để cung cấp cho nhu cầu tuyển dụng hiện nay của thành phố. Chỉ riêng nhu cầu năm 2022-2023 đã là 1.166 giáo viên, chỉ tuyển được 662 giáo viên.
Giáo viên tiểu học phải gánh quá nhiều phong trào, hoạt động
Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng nhìn nhận, giáo viên tiểu học có đặc thù là phải dạy nhiều môn vừa phải là giáo viên chủ nhiệm, có giáo viên phải kiêm nhiệm các chức danh khác như khối trưởng chuyên môn, tổng phụ trách, bí thư chi đoàn, chủ tịch công đoàn, giáo viên mạng lưới của hội đồng bộ môn quận huyện… Số tiết nghĩa vụ của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, kể cả giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên dạy bộ môn.
Tuy nhiên, trên thực tế ngoài công việc giảng dạy chính khóa, giáo viên còn tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia; hỗ trợ công tác đoàn, đội, các phong trào, hội thi của trường, phường, quận, thành phố và phối hợp với địa phương, các ban ngành tổ chức hoạt động, phong trào, tham gia các hội thi dành cho giáo viên; tham gia xây tiết học các chuyên đề, lên tiết học thao giảng ở trường, quận, thành phố theo yêu cầu của cấp trên. Để có những tiết dạy đạt hiệu quả cao, giáo viên phải nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị và làm đồ dùng dạy học vào giờ nghỉ. Đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục, giáo viên còn tham gia các lớp học nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Anh văn, Tin học ngoài giờ dạy.
Từ đề án sẽ là cơ sở để trình HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết hỗ trợ giáo viên tiểu học TP.HCM
“Áp lực công việc đã quá nhiều song thầy cô lại phải tham gia vào quá nhiều hoạt động phong trào, đoàn thể quá nhiều đã tạo thêm áp lực, gánh nặng cho giáo viên, khiến thầy cô không thể tập trung tốt vào nhiệm vụ chuyên môn…” – ông Hoàng nhìn nhận.
Đặc biệt, theo ông chế độ chính sách đối với giáo viên tiểu học hiện nay là chưa phù hợp. Tính tổng thu nhập sau khi đã trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì mỗi giáo viên mới ra trường nhận được khoảng 3.367.251 đồng song còn phải đóng góp thường xuyên một số khoản như: 1% lương/tháng đóng công đoàn phí, nếu là đảng viên thì 1% lương/tháng đóng đảng phí, mỗi năm trừ một số ngày lương đóng góp các quỹ như: quỹ vì người nghèo, quỹ phòng chống thiên tai…
Cần thiết phải xây dựng nghị quyết hỗ trợ giáo viên tiểu học
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam nhìn nhận, giáo dục tiểu học TP.HCM thời gian qua gặp nhiều khó khăn, từ khó khăn đội ngũ, thiếu giáo viên về biên chế, nhất là các môn đặc thù như tiếng Anh, giáo dục thể chất, nhạc, họa… Các phòng giáo dục, nhà trường phải tự xoay sở trong việc hợp đồng, thỉnh giảng. Các giải pháp dù vẫn thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục song vẫn gây khó khăn cho các nhà trường, liên quan đến chế độ chính sách cho đội ngũ thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Theo ông, để giữ chân, thu hút giáo viên tiểu học thì quan trọng nhất là hỗ trợ về tài chính. Hiện nay, Luật Giáo dục quy định không thu học phí bậc tiểu học, song khi cấp ngân sách thì bậc tiểu học lại ngang các bậc học khác, trong khi các bậc học khác lại được thu học phí. Đây là điều chưa hợp lý. Do vậy giải pháp cần thiết là cần thiết phải hỗ trợ cấp bù học phí ở bậc tiểu học.
Ngoài ra, Chương trình GDPT 2018 quy định bắt buộc tiểu học học 2 buổi/ngày, như vậy không được thu phí buổi 2, gây khó khăn cho các nhà trường; Thực trạng giáo viên nghỉ việc, bỏ việc do đời sống khó khăn cần thiết phải có các chế độ thu hút; Việc thiếu giáo viên các bộ môn, phải có chế độ thu hút, kinh phí chi trả hợp đồng thỉnh giảng; tỷ lệ học sinh tiểu học tăng hàng năm khi thu nhập giáo viên tiểu học thấp, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ…
“Theo thống kê hiện nay thu nhập bình quân tại TP.HCM là 6,2 triệu đồng/người. Thu nhập trong năm đầu tiên của giáo viên mới ra trường là 3,3 triệu đồng/người, trong khi chi phí tối thiểu bình quân mỗi người trên địa bàn thành phố là 3,9 triệu đồng/người, như vậy không đủ để đảm bảo đời sống tối thiểu của giáo viên, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ giáo viên mới ra trường…” – ông Lê Hoài Nam phân tích.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, dự thảo đề án sẽ được lấy ý kiến nhiều lần, bám sát thực tế của ngành. Sau khi hoàn thiện sẽ được Sở GD-ĐT trình HĐND TP.HCM để xin nghị quyết hỗ trợ, tương tự như các nghị quyết hỗ trợ giáo viên mầm non đã được TP.HCM thực hiện trong thời gian qua.
Yến Hoa
Bình luận (0)