Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM xây dựng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2024 được xây dựng theo quy trình 3 bước.


TP.HCM công bố quy trình 3 bước ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10

Thông tin về quy trình ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2024, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 ở 3 môn thi tuyển sinh được thực hiện theo quy trình 3 bước: Soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi; Phản biện đề thi; Hoàn thiện đề thi.

Cụ thể, tổ ra đề thi có trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi đối với bài thi được giao phụ trách, bảo đảm các yêu cầu quy định đối với đề thi chính thức và đề thi dự phòng.

Theo phân công của trưởng ban ban soạn thảo đề thi, người phản biện đề thi có trách nhiệm đọc, giải đề thi và đánh giá đề thi theo các yêu cầu quy định và đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết; ý kiến đánh giá của người phản biện đề thi được báo cáo trưởng ban soạn thảo đề thi, làm căn cứ để trưởng ban soạn thảo đề thi tham khảo trong quá trình duyệt đề thi;

Trên cơ sở ý kiến của các cán bộ phản biện đề thi, tất cả các thành viên của tổ ra đề thi cùng tinh chỉnh, hoàn thiện đề thi, ký tên và trình trưởng ban soạn thảo đề thi phê duyệt; sau đó, tổ trưởng ra đề thi ký tên và trình trưởng ban soạn thảo đề thi duyệt để tổ chức in sao.

Đề thi của kỳ thi phải đạt các yêu cầu: Bảo đảm chính xác, khoa học và tính sư phạm; Lời văn, câu chữ phải rõ ràng; Bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THCS; Bảo đảm phân loại được thí sinh; Đề thi phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi; Điểm của bài thi được quy về thang điểm 10;  Đề thi phải ghi rõ có mấy trang (đối với đề thi có từ 2 trang trở lên); ghi rõ chữ "HẾT" tại điểm kết thúc đề thi.

Trong một kỳ thi, mỗi bài thi có đề thi chính thức và đề thi dự phòng đáp ứng các yêu cầu quy định; Mỗi đề thi có đáp án, hướng dẫn chấm thi.

Giám đốc Sở GD-ĐT quyết định thành lập ban soạn thảo đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là những công chức, viên chức, giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục; mỗi bài thi có một tổ ra đề thi gồm tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi.

Đề thi, đáp án thuộc bí mật nhà nước độ “Tối mật”

Đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật”. Đề thi dự phòng chưa sử dụng tự giải mật sau khi kết thúc công tác coi thi của kỳ thi. Chủ tịch Hội đồng thi quy định thời gian soạn thảo đề thi, in sao đề thi; số lượng đề thi in sao; hướng dẫn in sao cho trưởng ban in sao đề thi; phương án và thời gian vận chuyển, bàn giao đề thi đến các điểm thi bảo đảm sát thực tế và an toàn, bảo mật.

Các tổ ra đề thi và các thành viên khác của ban soạn thảo đề thi làm việc độc lập và trực tiếp với lãnh đạo ban soạn thảo đề thi; người được giao nhiệm vụ nào, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đó, không được tham gia các nhiệm vụ khác;

Mỗi thành viên của ban soạn thảo đề thi phải chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung của đề thi và bảo đảm bí mật, an toàn đề thi theo đúng chức trách của mình và theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Vận chuyển, bàn giao đề thi

Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, trưởng ban vận chuyển và bàn giao đề thi tuyển sinh 10 do lãnh đạo hội đồng thi kiêm nhiệm; các ủy viên của ban và công an làm nhiệm vụ bảo vệ, giám sát do chủ tịch hội đồng thi quyết định.

Ban vận chuyển và bàn giao đề thi thực hiện nhiệm vụ nhận các túi đề thi còn nguyên niêm phong từ ban in sao đề thi, bảo quản, vận chuyển, phân phối đề thi đến ban chỉ đạo thi TP.Thủ Đức, quận, huyện.

Các túi đề thi phải được bảo quản trong thùng carton cứng, niêm phong và bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày; Trưởng ban vận chuyển và bàn giao đề thi ủy quyền bằng văn bản cho người phụ trách tổ hoặc nhóm vận chuyển giữ, bàn giao cho ban chỉ đạo thi TP.Thủ Đức, quận, huyện; Lập và lưu trữ biên bản giao nhận đề thi giữa ban in sao đề thi với ban vận chuyển và bàn giao đề thi, giữa ban vận chuyển và bàn giao đề thi với ban chỉ đạo thi TP.Thủ Đức, quận, huyện.

Đề thi và bài thi tại các điểm thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khóa và niêm phong chìa khóa do trưởng điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của những người ký nhãn niêm phong, lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2024 diễn ra vào ngày 6 và 7-6 với 98.681 thí sinh đăng ký dự thi. Tham gia dự thi, thí sinh sẽ làm bài thi 3 môn: toán, văn và ngoại ngữ. Trong đó, toán, văn có thời gian làm bài 120 phút/ môn, ngoại ngữ là 90 phút. Riêng thí sinh dự thi lớp 10 chuyên/tích hợp thì sẽ dự thi thêm bài thi chuyên/tích hợp với thời gian làm bài 150 phút.

Năm nay, TP.HCM thực hiện phân bổ 77.355 chỉ tiêu vào hơn 113 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố.

Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải bảo đảm an toàn, chắc chắn; phải có lãnh đạo điểm thi trực liên tục trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.

Việc phát đề thi cho thí sinh phải được thực hiện tại phòng thi đúng thời gian và đúng môn thi theo quy định trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Sở GD-ĐT.

Túi chứa đề thi để vận chuyển và bàn giao đề thi từ nơi soạn thảo đề thi đến các điểm thi phải được làm bằng giấy đủ độ bền, kín, tối màu và được dán chặt, không bong mép, có đủ nhãn, dấu niêm phong; nội dung in trên túi phải theo đúng quy định của Sở GD-ĐT.

Toàn bộ quá trình vận chuyển và bàn giao đề thi phải được công an giám sát; các túi chứa đề thi phải được đựng trong các thùng carton cứng được niêm phong; phải lập biên bản về quá trình giao nhận, vận chuyển.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)