Hướng đến mục tiêu đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc ngày càng sâu rộng cho người dân TP, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã tổ chức thực hiện công trình gồm 2 hạng mục trọng điểm là xây dựng các đường sách, không gian sách và trang bị 5 triệu quyển sách cho các cơ sở trên địa bàn. Công trình sẽ hoàn thành trước tháng 4-2025 và sẽ trở thành địa chỉ đặc trưng, tiêu biểu cho hoạt động văn hóa, xuất bản, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn TP.
Địa điểm phát triển văn hóa đọc
Ông Trịnh Hữu Anh – Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện nay đã có Đường sách TP.HCM, Đường sách TP.Thủ Đức phục vụ nhu cầu đọc sách cho người dân. Nhằm mở rộng không gian sách, TP sẽ nhân rộng hệ thống đường sách theo bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Theo đó, TP sẽ xây dựng thêm ba không gian sách, đường sách mới gồm: Không gian sách quận Bình Tân; Đường sách Nguyễn Đổng Chi (quận 7) và Không gian sách huyện Củ Chi. Theo tiến độ dự kiến, các không gian sách, đường sách mới này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước tháng 4-2025 chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Các không gian sách, đường sách mới kết nối với Đường sách TP.Thủ Đức tại hướng Đông và trung tâm là Đường sách TP.HCM sẽ tạo thành một hệ sinh thái và trở thành địa chỉ đặc trưng, tiêu biểu cho hoạt động văn hóa, hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc của TP”, ông Hữu Anh cho biết.
Để nắm bắt nhu cầu đọc sách của người dân, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM sẽ thực hiện “Khảo sát tỷ lệ đọc sách của người dân và học sinh”. Khảo sát được dự kiến thực hiện vào quý 4-2024 nghiên cứu, đo lường tỷ lệ số lượng xuất bản phẩm và thói quen đọc sách của người dân và học sinh trên địa bàn TP. “Kết quả thu được từ khảo sát cũng sẽ cung cấp rõ hơn về thói quen, nhu cầu và mong muốn đọc sách của người dân thuộc nhiều nghề nghiệp, thu nhập và trình độ học vấn khác nhau. Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi đưa ra những đề xuất, giải pháp thực tế, hiệu quả nhằm nâng cao tỷ lệ đọc sách cho người dân. Đó cũng là căn cứ để chúng tôi tham mưu chủ trương, chính sách về hoạt động phát triển văn hóa đọc trên địa bàn TP”, ông Hữu Anh thông tin.
Trang bị sách cho học sinh
Bên cạnh việc đầu tư không gian sách, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM còn trang bị 5 triệu quyển sách cho người dân và học sinh. Những quyển sách được trưng bày ở thư viện các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên và thư viện 21 quận, huyện, TP.Thủ Đức. Trong đó có 2 triệu quyển sách giấy và 3 triệu sách điện tử. Chương trình được triển khai thực hiện từ tháng 2-2024, đến nay đã có hơn 1,4 triệu quyển sách được trao tặng, tạo ra nguồn học liệu và kho tàng tri thức phong phú, dễ tiếp cận cho người dân và học sinh với nhiều phương thức đọc khác nhau, phù hợp xu hướng đọc sách trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. “Sau khi trao tặng sách, chúng tôi có tìm hiểu, thống kê thấy tỉ lệ người dân đọc sách tăng cao. Điều đó cho thấy những quyển sách được trao tặng rất hữu ích đối với người dân, học sinh. Chúng tôi phấn đấu hết năm 2025, 5 triệu quyển sách sẽ đến tay học sinh và người dân”, ông Hữu Anh chia sẻ.
Không gian đọc như đường sách, thư viện từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân TP.HCM. Không gian đó đã phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú của người dân TP trong dòng chảy hội nhập tiến bộ nhưng vẫn lưu giữ những giá trị tri thức trường tồn. Công trình xây dựng các đường sách, không gian sách và trang bị 5 triệu quyển sách cho cơ sở trên địa bàn TP.HCM được kỳ vọng sẽ tạo thêm những điểm đến tri thức mới, hấp dẫn, hiện đại hơn, dễ tiếp cận tới nhiều đối tượng. Qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân TP, tiếp tục nhân rộng văn hóa đọc trong cộng đồng tới nhiều thế hệ, cùng dựng xây một xã hội tri thức bền vững. |
Với xu hướng chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với trường học nâng cấp, cải tạo 50 thư viện thông minh tặng học sinh TP. Mô hình này đang triển khai trong hệ thống giáo dục TP. Ngoài sách giấy, thư viện thông minh còn trang bị sách điện tử, sách nói và danh mục các thiết bị hiện đại chuyên dùng trong dạy và học trong nhà trường. Những thư viện thông minh, tạo không gian, điều kiện để các em học sinh có thể trải nghiệm các thiết bị khoa học công nghệ, đồng thời thúc đẩy thói quen đọc sách, từ đó phát triển tư duy, kỹ năng và sự sáng tạo. “50 thư viện thông minh dự kiến sẽ được phân bổ tại 16 quận, huyện, TP.Thủ Đức. Mỗi quận bố trí 2-3 thư viện thông minh. Đặc biệt, TP sẽ ưu tiên bố trí một thư viện thông minh cho xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây là một trong những khu vực đặc biệt nằm tách biệt với TP, giao thông cách trở và điều kiện sống còn khó khăn. Việc trang bị thư viện thông minh cho học sinh Cần Giờ góp phần to lớn trong công tác giáo dục – đào tạo và công tác phát triển văn hóa đọc tại các trường học, đặc biệt là các trường học ở khu vực còn khó khăn.
Hồ Trinh
Bình luận (0)