Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU ngày 21-6-2015 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các địa phương, đơn vị trên địa bàn TP.HCM đã triển khai nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả, góp phần xây dựng phát triển con người TP toàn diện.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được phát huy
Ông Ngô Thanh Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM – cho biết, để công tác thông tin tuyên truyền cũng như các hoạt động phong trào triển khai thực hiện nhiệm vụ của Nghị quyết số 33 đạt hiệu quả cao, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP xác định nhiều nội dung trọng tâm…
Theo đó, hàng năm, gắn với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư, MTTQ các cấp đều lồng ghép tổ chức các hoạt động tuyên dương gương người tốt việc tốt, gia đình hiếu học, trao tặng học bổng cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; tuyên dương các gương học sinh biết khắc phục khó khăn để vươn lên trong học tập.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam TP cũng triển khai nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức; triển khai nhiều giải pháp xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở cơ quan, đơn vị, các cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp, trong cộng đồng dân cư và trên không gian mạng…
“Qua những cách làm trên, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân TP về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng được nâng lên. Môi trường văn hóa được cải thiện, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy”, ông Sơn chia sẻ.
Tại quận Phú Nhuận, ông Huỳnh Đăng Linh – Phó Bí thư Thường trực Quận ủy – cho biết, sau thời gian thực hiện tốt Nghị quyết số 33 và Chương trình hành động số 45, đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân ngày càng phong phú, giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa và phát huy, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng.
Đặc biệt, công tác vận động doanh nghiệp đăng ký danh hiệu doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa luôn được Đảng bộ và chính quyền quận quan tâm. Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa quận đã hướng dẫn, triển khai việc đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa và chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” trong công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn quận, tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa hàng năm trên 90% so với tổng số doanh nghiệp đăng ký…
Tại quận 5, theo ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ – Phó Chủ tịch UBND quận, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận được đặc biệt quan tâm. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã từng bước gắn kết với công tác giáo dục về lịch sử, văn hóa cho học sinh, sinh viên thông qua hành trình “Công dân quận 5 đến với di sản văn hóa”, hội thi “Thuyết minh viên không chuyên” được tổ chức hàng năm. Với sự phát triển và phát huy tiềm năng thế mạnh của quận 5 trên các lĩnh vực văn hóa, từ năm 2016 đến nay quận đã vận động nguồn kinh phí xã hội hóa thực hiện thành công 19 thước phim tư liệu giới thiệu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật của các di tích; phát hành 10.000 ấn phẩm “Tự hào di sản văn hóa quận 5” tiếng Việt – Anh – Hoa, 2.000 bưu thiếp giới thiệu về di tích; 4.000 ấn phẩm “Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5” phiên bản tiếng Hoa – Việt; 5.000 ấn phẩm bút ký văn học “Quận 5 trong tôi”. Đây là nguồn tư liệu quý giới thiệu rộng rãi đến người dân, qua đó cùng chung tay góp sức giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản trong nhân dân.
Xây dựng văn hóa trong mỗi gia đình, người dân
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, kết quả bao trùm nhất sau 10 năm TP.HCM thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW đó là nhận thức và sự quan tâm, đầu tư có hiệu quả cho văn hóa trên địa bàn TP đã được các cấp ủy, hệ thống chính quyền, các lực lượng có liên quan thực hiện tốt hơn. Nhờ vậy mà đóng góp của văn hóa trong sự phát triển của TP.HCM nhiều hơn, rõ nét hơn.
Bên cạnh đó, thời gian qua TP.HCM cũng đã ban hành đề án phát triển công nghiệp văn hóa, có các hoạt động đầu tư để phát triển văn hóa, thể thao. Dấu hiệu rõ nét nhất là năm 2023, 2024, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được diễn ra thường xuyên, có tính chất thường niên, định kỳ, hướng tới xây dựng thương hiệu của TP.HCM.
“Gần như mỗi tháng, TP đều có các sự kiện văn hóa, tạo thành chuỗi các hoạt động và từ đây giới thiệu văn hóa, xây dựng thương hiệu của TP”, ông Mãi nói.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Mãi đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với các đơn vị cập nhật, bổ sung vào chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy để tiếp tục triển khai Nghị quyết số 33. Bên cạnh đó, UBND TP cũng sẽ có kế hoạch để triển khai, tiến hành xây dựng văn hóa ở từng cơ quan, đơn vị, ở từng cấp, trong mỗi gia đình và trong mỗi người dân.
“Xây dựng và phát triển con người TP.HCM toàn diện nhưng có bản sắc riêng. Những nét riêng này có thể là năng động, sáng tạo, hào sảng, nghĩa tình, tiên phong, cởi mở, hội nhập, hiện đại. Bên cạnh việc xây dựng các điểm tích cực, đồng thời đấu tranh với những suy nghĩ bảo thủ, tiêu cực”, ông Mãi nhấn mạnh..
TP.HCM đang bước vào kỷ nguyên số, do đó cũng cần quan tâm, chú trọng môi trường văn hóa trên không gian mạng.
TP sẽ tập trung xây dựng văn hóa chính trị và kinh tế, việc này vừa dễ nhưng cũng vừa khó. “Văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế là quyết tâm; bản lĩnh chính trị là khát khao xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, xây dựng đất nước hùng cường. TP.HCM sẽ tiên phong, đóng góp quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Mãi nhấn mạnh.
Ngoài ra, TP cũng sẽ tăng cường giao lưu quốc tế, hội nhập về văn hóa để vừa tiếp thu tinh hoa của thế giới vừa nâng năng lực nội sinh của TP để phát triển văn hóa. TP cũng sẽ tập trung phát triển công nghiệp văn hóa với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa mạnh ở khu vực ASEAN vào năm 2030.
Song Hậu
Bình luận (0)