Hai doanh nghiệp tại Bến xe miền Đông (TP.HCM) thông báo tăng giá vé xe đò sau khi giá xăng dầu tăng. Các hãng taxi cũng đang “rục rịch” tăng giá cước.
Xe đò nổ “phát pháo” đầu tiên
Ngày 22/7, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe miền Đông cho biết, Công ty Phương Trang và hãng xe đò Việt Tân Phát là hai doanh nghiệp đầu tiên tại bến xe này gửi thông báo cho ban quản lý bến về việc tăng giá vé.
heo đó, tuỳ vào từng tuyến và từng loại xe, giá vé của hai doanh nghiệp này tăng trung bình từ 10-30% so với giá vé cũ. Việt Tân Phát (chạy tuyến TP.HCM-Gia Lai) tăng giá vé từ 10 đến 30%. Công ty Phương Trang tăng giá vé ở mức từ 8-10%. Cụ thể, tuyến TP.HCM- Đà Lạt giá vé từ 100.000 đồng/vé lên 110.000 đồng/vé; TP.HCM – Nha Trang từ 120.000 đồng/vé lên 130.000 đồng/vé; TP.HCM – Quy Nhơn từ 190.000 đồng/vé lên 210.000 đồng/vé. Trong đó, giá vé của TP.HCM – Đà Nẵng tăng cao nhất từ 250.000 đồng/vé lên 280.000 đồng/vé.
Tuy nhiên, hiện tại các tuyến xe của hai doanh nghiệp này vẫn áp dụng mức giá cũ cho đến khi có sự chấp thuận chính thức của cơ quan quản lý về giá là Sở Tài chính, Cục Thuế…
Công ty Hoàng Long tuy chưa gửi thông báo về việc tăng giá vé nhưng cũng dự kiến sẽ tăng khoảng 10%.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc hãng xe Rạng Đông, chi phí nhiên liệu cho các chuyến xe chạy tuyến TP.HCM – Gia Lai khoảng 440.000 đồng/xe. Ông Tâm nói với giá vé như hiện nay (150.000 đồng/lượt), doanh nghiệp đã phải “gồng mình” rất nhiều nên việc tăng giá trong thời gian tới là tất yếu.
Thông tin từ Phòng điều độ bến xe miền Tây (BXMT) cho biết, tính đến buổi chiều cùng ngày, chưa có doanh nghiệp nào tại bến gửi thông báo tăng giá vé do ảnh hưởng của đợt tăng giá xăng dầu vào ngày 21/7.
Nhưng ông Nguyễn Hữu Mãng, Giám đốc Công ty Phương Thảo (chạy tuyến BXMT- Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ), một trong những đơn vị vận tải đang hoạt động tại BXMT thừa nhận, nếu không tăng giá mỗi ngày doanh nghiệp bù lỗ từ 8-10 triệu đồng.
Theo nhận định của một số nhà xe hoạt động trên các tuyến xe khách, các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị phương án tăng giá, vấn đề chỉ là thời gian. Hiện các hãng xe đò đang nhòm ngó “chân cẳng” nhau trước khi tăng giá. Do đặc điểm phần lớn xe đò đều sử dụng nhiên liệu dầu nên mức tăng 2.000đ/lít dầu khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi lo âu.
“Tăng giá vé giúp doanh nghiệp bù lỗ được chi phí nhiên liệu xăng dầu, tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh với các hãng xe khác sẽ giảm xuống”- một nhà xe nhận định.
Tăng giá là điều tất nhiên
Các doanh nghiệp taxi cũng đang tính đến phương án tăng giá cước vì mức tăng nhiên liệu quá cao đợt này khiến các doanh nghiệp không thể cầm cự lâu hơn.
Theo tính toán, taxi Mai Linh có khoảng 1.800 phương tiện nên một ngày phải bù lỗ khoảng 162 triệu đồng tiền nhiên liệu. Mai Linh đang có dự kiến điều chỉnh giá cước tăng khoảng 15-17% so với giá hiện hành.
Đại diện của hãng taxi VinaSun cũng cho biết đang làm thủ tục điều chỉnh giá cước taxi của hãng. Vì mỗi ngày, hãng phải gánh chịu tiền lỗ do nhiên liệu tăng lên tới 180 triệu đồng. Theo dự kiến, từ 23/7, hãng taxi VinaSunsẽ tăng giá cước lên 15%. Cụ thể: giá mở cửa (đối với 1,1km đầu tiên) sẽ là 12.000 đồng; 30km tiếp theo giá 11.500 đồng; từ km thứ 31 trở đi giá 8.000 đồng/km.
Ngoài hai “đại gia” trong lĩnh vực kinh doanh taxi nói trên, các hãng taxi khác như Future Star, Hoàng Long, miền Đông… cũng có động thái “rục rịch” tăng giá nhằm đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp.
Liên quan đến hệ quả từ việc tăng giá xăng dầu, nhằm bù đắp chi phí do giá nhiên liệu tăng “chóng mặt”, ông Lê Hải Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành Vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết trung tâm, vừa kiến nghị Sở GTVT, UBND TP.HCM điều chỉnh đơn giá nhiêu liệu xe buýt nhằm bù lỗ cho các đơn vị vận tải.
“Hoạt động xe buýt tại TP.HCM có diễn ra bình thường sau khi giá xăng dầu tăng?”. Ông Phong nói: cho đến chiều 22/7, trung tâm chưa nhận được thông tin chính thức nào cho thấy xã viên xe buýt ngưng chạy vì không có tiền đổ dầu.
“Hệ thống xe buýt tại thành phố vẫn diễn ra bình thường”- ông Phong khẳng định.
Trần Duy (Vietnamnet)
Bình luận (0)