Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM xem ASU là đối tác trong phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 26-5, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM đã tiếp ông Jeffrey S. Goss – Phó Hiệu trưởng Đại học Bang Arizona (ASU).


Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi tiếp, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ vui mừng trước chuyến thăm và làm việc tại TP.HCM của ông Jeffrey S. Goss – Phó Hiệu trưởng Đại học Bang Arizona. Đồng thời hoan nghênh các hoạt động hợp tác sôi nổi của ASU với Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực của Việt Nam. “Các chương trình hợp tác đã hỗ trợ TP.HCM đổi mới quản lý đào tạo theo hướng chuẩn bị khả năng sẵn sàng làm việc và các kỹ năng mềm cho nguồn nhân lực của TP, từng bước đáp ứng cho cuộc cách mạng nghiệp 4.0”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong hoan nghênh tầm nhìn của ASU và ý tưởng của ông Jeffrey S. Goss trong việc hợp tác với TP.HCM để đưa TP trở thành trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lượng cao. Các ý tưởng hợp tác phù hợp với mục đích mà TP.HCM hướng đến đó là nguồn nhân lực chất lượng cao phải là nguồn nhân lực quốc tế; được đào tạo từ các chương trình đạt chuẩn quốc tế, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường toàn cầu, có khả năng cạnh tranh tích cực trên thị trường lao động quốc tế và thích ứng nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông cho biết, TP.HCM có nhiều thế mạnh về việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Cụ thể, 54 trường đại học, học viện với hơn 200.000 sinh viên, thu hút hơn 4.000 sinh viên các nước đến học tập. Có 31 trường đại học, cao đẳng đã triển khai 170 chương trình đào tạo liên kết quốc tế.  Trong 106 ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có 84 ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế, chiếm gần 80%.

Mặt khác, trong 51 đề án thuộc 4 chương trình phát triển TP.HCM giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 thông qua có 2 đề án thuộc lĩnh vực GD-ĐT. Gồm, Đề án giáo dục thông minh và Đề án tổng thể về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng quốc tế.

Đề án tổng thể về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng quốc tế xây dựng công phu với sự đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, trong đó, đề án xác định 10 tiêu chí để nhận diện nhân lực trình độ quốc tế, xây dựng 3 mục tiêu chung, 5 mục tiêu và 9 giải pháp có tính toàn diện.

9 giải pháp toàn diện gồm: Thành lập Hội đồng tư vấn GD-ĐT nhân lực trình độ quốc tế; hình thành hệ sinh thái nhân lực trình độ quốc tế của 8 ngành trong điểm; đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; đẩy mạnh quốc tế hóa GD-ĐT; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học; xây dựng và triển khai hệ thu thập thống thông tin, phân tích và dự báo cung cầu nguồn nhân lực quốc tế; xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại học; xây dựng học liệu mở, cơ chế, chính sách hình thành mô hình đại học chia sẻ.


Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Tại buổi làm việc, ông Jeffrey S. Goss – Phó Hiệu trưởng ASU đã trao đổi về các phương thức cộng tác giữa ASU và TP.HCM trong công việc thực hiện Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế của TP, tập trung vào 8 ngành trọng điểm.

Theo đó, ASU đã đưa ra các đề xuất, gồm: Hợp tác triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, tập trung vào 8 lĩnh vực trọng điểm; xây dựng mô hình đại học chia sẻ với số hóa tại liệu  học tập; xây dựng đại học trực tuyến phục vụ sinh viên, kể cả người đi làm, người lớn tuổi và trẻ em với mong muốn không ngừng học tập; hỗ trợ các trường đại học của TP.HCM đạt được kiểm định quốc tế; hợp tác phát triển Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để cải tiến khoa học và đưa ra giải pháp cho các vấn đề tại chỗ; phát triển giảng viên và đổi mới phương pháp giảng dạy trên nền tảng kỹ thuật số; triển khai chương trình “Phát triển tăng tốc nguồn nhân lực” trong các trường đại học nhằm cung cấp nhân lực được công nhận quốc tế bằng các khóa đào tạo ngắn hạn.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Sở GD-ĐT tiếp tục làm việc với ASU để giới thiệu về đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế, nhất là các nghiên cứu, các đề xuất ra của ông  Jeffrey S. Gos nhằm triển khai trên thực tế 9 giải pháp đã đề ra. Đồng thời, đề nghị các trường đại học chủ động làm việc với ASU để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể trong thời gian tới. 

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong tin tưởng với bề dày kinh nghiệm hợp tác với Việt Nam cùng với vị trí, uy tín của ASU, ASU là đối tác hết sức phù hợp với TP.HCM trong phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiện giữa ASU với Việt Nam đang hợp tác một số chương trình về GD-ĐT, tiêu biểu là chương trình hợp tác giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật (ASU – HEEAP) được khởi động năm 2010; chương trình Xây dựng học tập và phát triển mối quan hệ đại học và doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ (BUILT IT) và các chương trình hỗ trợ tăng cường sự tham gia của nữ giới vào lĩnh vực STEM.

Nguyễn Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)