Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM xin Bộ Y tế 100.000 túi thuốc C để đảm bảo người dân không thiếu thuốc

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin này được bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM nêu ra tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. Họp báo do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức chiều 18-11.


Các đại biểu tham dự họp báo

Khả năng đáp ứng điều trị cùng một lúc lên đến hơn 120.000 F0

Trước câu hỏi của phóng viên báo chí về việc một số F0 không được chăm sóc tốt, gọi điện thoại nhưng nhân viên y tế không nghe máy, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế TP đã có công văn chấn chỉnh đối với các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, Sở cũng đã củng cố lại các lực lượng để hỗ trợ. “Sở vừa làm việc và kích hoạt lại hệ thống mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” với trên 2.000 bác sĩ, có thể hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà con đến tận phường, xã. Tại khu vực trạm y tế phường, xã nếu chưa xử lý tốt thì hệ thống này sẽ cùng các địa phương xử lý. Cạnh đó, tiếp tục duy trì hoạt động Tổng đài 1022 nhánh số 3, số 4 để hỗ trợ, tư vấn sức khỏe kịp thời cho các F0”, bà Mai nói.

Liên quan đến hoạt động các “bệnh viện xanh”, bà Mai cho hay, ban giám đốc Sở Y tế vừa làm việc với các giám đốc bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 và không điều trị bệnh nhân Covid-19. Qua đó, ban giám đốc Sở Y tế chỉ đạo “bệnh viện xanh” không phải là bệnh viện không Covid-19 mà là bệnh viện được xác định có những quy trình xử lý an toàn; có thể tiếp nhận, thu dung, điều trị đối với những người bệnh khả năng bị nhiễm Covid-19 đến khám điều trị nhưng không để lây nhiễm cho các khoa sạch. “Quán triệt tinh thần này, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi”.

Liên quan đến ngưỡng đáp ứng của TP đối với dịch Covid-19 khi mà F0 đạt tỷ lệ tử vong tối đa, bà Mai cho hay, mục tiêu chung của TP hiện nay là phải duy trì, bảo vệ được thành quả phòng, chống dịch thời gian qua. Phải kéo giảm được các ca nhập viện, ca tử vong và củng cố lại hệ thống y tế. Trên tinh thần này, Sở Y tế cùng với các sở ngành khác cùng bàn các giải pháp và xây dựng từng kịch bản cụ thể.

Sở Y tế đã trình phương án lên Thường trực UBND TP, lãnh đạo TP và đang xin ý kiến. Qua tính toán, hiện TP có hơn 9.100 bác sĩ  và  hơn 19.600 điều dưỡng đáp ứng kịp thời khi F0 tăng nhanh. Hai lực lượng này đã có kinh nghiệm rất tốt trong thời gian tham gia phòng, chống dịch lần thứ 4, có thể xử lý được mọi tình huống. Và số giường bệnh, số giường Oxy, giường hồi sức cấp cứu (ICU) có khả năng đáp ứng khi tiếp nhận điều trị tại cùng một thời điểm lên đến hơn 120.000 F0. “Sở Y tế đã xây dựng 7 kịch bản cho từng số liệu F0, từng bước một để chúng ta có thể đáp ứng”.

Liên quan người dân phản ánh đăng ký túi thuốc C cho bệnh nhân nhưng một số trạm y tế thông báo hết thuốc, bà Mai cho hay, túi thuốc này đang có nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, đưa ra các điều kiện cụ thể cho từng đối tượng sử dụng. Trong đó, các F0 điều trị tại nhà có triệu chứng nhẹ; từ 18-65 tuổi nhưng không mắc các bệnh nền, không bị các bệnh lý về gan, thận sẽ được sử dụng; hay phụ nữ đang dự kiến có con  không được sử dụng.

Trước tình trạng một số trạm y tế chững lại việc sử dụng túi thuốc cho người dân, theo bà Mai, Sở đã có văn bản chấn chỉnh, đồng thời hướng dẫn, tập huấn lại đối với các nhân viên trạm y tế phường, xã. Đến nay, qua theo dõi việc cấp phát thuốc thì còn tồn khoảng 2.000 túi thuốc C, so với trước đây khoảng 20.000 túi, cho thấy các đơn vị trực thuộc đã sử dụng thuốc rất tốt. “Để chuẩn bị cho thời gian tới, Sở đã có báo cáo Bộ Y tế xin 100.000 túi thuốc C cho TP để dự trù, đảm bảo tình huống F0 tăng và người dân không bị thiếu thuốc”.

Thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP, cho biết, tính đến 18 giờ ngày 17-11, có 451.696 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố.

Hiện TP đang điều trị 12.935 bệnh nhân, trong đó có 636 trẻ em dưới 16 tuổi, 302 bệnh nhân nặng đang thở máy, 9 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 17-11 có 1.447 bệnh nhân nhập viện, 1.076 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến nay là 266.410), 42 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1 đến nay là 17.305). Tính đến ngày 17-11, TP cũng đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 7.864.014 mũi 1 và 6.005.139 mũi 2.

Kiến nghị Bộ Công thương sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để giá cả các mặt hàng ổn định

Trước câu hỏi của phóng viên báo chí về ai chịu trách nhiệm trước việc cho phép các hàng quán bán đồ uống có cồn tại chỗ, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, ngày 16-11 UBND TP ban hành công văn 3818 về hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, trên tinh thần công văn này, TP đã rút kinh nghiệm thí điểm bán đồ uống có cồn tại quận 7 và TP.Thủ Đức. Sau đó, cho tổ chức thí điểm bán đồ uống có cồn tại quán ăn và được phân ra ở các cấp độ. Cụ thể, cấp độ 1, 2 được bán đồ uống có cồn tại chỗ; cấp độ 3 được bán 50%; cấp độ 4  không được phép bán. Thời gian được phép hoạt động đến 22h hàng ngày. “Thời gian thí điểm từ ngày 16-11. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Sở Công thương sẽ có tổng hợp và báo cáo UBND TP”.

Liên quan đến giá các mặt hàng lương thực thực phẩm, tiêu dùng tăng, bà Ngọc cho hay, đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm, thực phẩm tươi sống tại các siêu thị nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, có một số mặt hàng tăng giá như dầu ăn, đường, xăng dầu, gas…. “Tình hình giá cả đã có sự biến động trên toàn thế giới, kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng này. Bên cạnh đó, cũng có những nguyên nhân khác như chi phí vận chuyển, chi phí phòng chống dịch tăng”, bà Ngọc nhận định.

Trên cơ sở đó, để bình ổn giá thời gian tới, Sở Công thương có những chương trình. Hiện nay các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tổ chức sản xuất trở lại, đây là một trong những giải pháp để hàng hóa cung cấp đủ cho thị trường, kéo theo sự ổn định về giá cả.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, Sở Công thương cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, kết nối hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh thành. “Sở Công thương sẽ  kiến nghị Bộ Công thương sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để kéo theo giá cả các mặt hàng ổn định trong tình hình bình thường mới”.

Cũng theo bà Ngọc, hiện đã có 177/234 chợ truyền thống tổ chức hoạt động trở lại. Trong đó, quận 7, huyện Nhà Bè có số chợ hoạt động trở lại ít, đang từng bước thí điểm mở cửa. Cuối tháng 11, đầu tháng 12, các quận huyện cũng đã có phương án mở lại các chợ khác trong điều kiện an toàn mới.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)