Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM yêu cầu trường mầm non quan tâm giải pháp cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa ban hành hướng dẫn mới nhất về việc thực hiện thí điểm khảo sát làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo theo nhu cầu tại các cơ sở giáo dục mầm non.


Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu trường mầm non quan tâm giải pháp cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh

Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, nhằm khảo sát đánh giá việc thực hiện Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, trong thời gian qua, các trường mầm non trực thuộc Sở GD-ĐT TP đã tiến hành thực hiện thí điểm khảo sát làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo với Công ty Cổ phần Quản lý Giáo dục và Đầu tư EMG và Tập đoàn Giáo dục Pearson. Qua đó, ghi nhận sự tham gia nhiệt tình của trẻ vào các hoạt động đánh giá được thiết kế thân thiện, nhẹ nhàng, đã khích lệ sự tiến bộ của trẻ đồng thời các đơn vị và chuyên gia đề xuất tiếp tục tổ chức khảo sát năng lực năng lực và làm quen tiếng Anh cho trẻ từ 3-5 tuổi với nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý và độ tuổi

Với tình hình nêu trên, Sở GD-ĐT đề nghị Phòng GD-ĐT các quận, huyện, thành phố, trường mầm non trực thuộc tập trung nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, tạo điều kiện tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh đảm bảo có chất lượng, hiệu quả theo quy định; quan tâm các giải pháp hỗ trợ thực hiện tốt công tác tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh.

Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục phát huy kết quả đạt được và không ngừng nâng cao chất lượng việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Tuỳ điều kiện thực tiễn, có thể phối hợp với đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm triển khai đánh giá kết quả đạt được của trẻ theo nhu cầu của phụ huynh trẻ; đảm bảo phù hợp với quy định của Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT.

Đồng thời khuyến khích các đơn vị có năng lực xây dựng bộ công cụ khảo sát đánh giá đảm bảo chất lượng, thực hiện quy trình thẩm định theo quy định để các cơ sở giáo dục mầm non có nhiều lựa chọn trong việc tổ chức thí điểm đánh giá kết quả hoạt động làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo trong thời gian tới.

Từ tháng 12-2020, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 50 về Chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo. Thông tư 50 là cơ sở cho việc phát triển các chương trình làm quen với Tiếng Anh, tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, bắt đầu hứng thú với ngoại ngữ và là nền tảng cho việc học tiếng Anh ở các bậc học sau này.

Triển khai Thông tư 50, năm học 2023-2024, TP.HCM có 1.218 trường mầm non với hơn 156.000 trẻ được làm quen tiếng Anh tại trường, chiếm khoảng 57,4%. Khoảng 3.200 giáo viên tham gia giảng dạy chương trình cho trẻ làm quen tiếng Anh, trong đó có 232 giáo viên bản ngữ, tỷ lệ 7,3%. Đa số các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh 2 buổi/tuần, thời gian mỗi buổi từ 25-40 phút tùy theo độ tuổi của trẻ.

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, trong quá trình triển khai, các cơ sở giáo dục mầm non đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm quen tiếng Anh của trẻ. Trẻ tham gia các giờ học hứng thú, mạnh dạn, tự ti. Việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp trẻ sớm làm quen với ngôn ngữ thứ 2 và tự tin hơn trong giao tiếp.

Trong năm học 2023-2024, TP.HCM đã triển khai thí điểm việc khảo sát đánh giá năng lực tiếng Anh cho trẻ ở bậc mầm non bằng giải pháp công nghệ.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, với trẻ mầm non, bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh thì cần phải tuyệt đối chính xác bởi là nền tảng để trẻ phát triển ngôn ngữ sau này. Việc chọn lựa giáo viên, khảo sát năng lực trẻ là quan trọng để uốn nắn trẻ. Khi đưa công nghệ vào khảo sát năng lực ngôn ngữ trẻ mầm non qua đó sẽ giúp các cơ sở giáo dục mầm non phát hiện, bồi dưỡng giáo viên thay đổi cách dạy trẻ tiếp cận ngôn ngữ chuẩn nhất.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)