Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

TP.HCM yêu cầu trường quốc tế bắt buộc dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường quốc tế phải tổ chức thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chương trình Việt Nam học cho học sinh Việt Nam.

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu trường quốc tế phải dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam

Ngày 7-9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có hướng dẫn về việc thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài dạy chương trình nước ngoài từ năm học 2024-2025 cho học sinh Việt Nam.

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu, từ năm học 2024-2025, các trường có vốn đầu tư nước ngoài dạy chương trình nước ngoài xây dựng và tổ chức thực hiện học tập nội dung chương trình Việt Nam học phải đúng theo các quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT; đảm bảo khoa học, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo; phù hợp điều kiện cụ thể của cơ sở giáo dụ, phải nhằm đạt mục tiêu Thông tư số 04/2020/TT-BGDĐT đã quy định.

Cụ thể:

Đối với học sinh tiểu học: Học tập nội dung chương trình tiếng Việt và chương trình Việt Nam học.

Nội dung chương trình tiếng Việt thời lượng không ít hơn 140 phút/tuần, học ở tất cả các khối lớp tiểu học. Giúp học sinh hình thành và phát triển vốn từ vựng và các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp phù hợp với lứa tuổi; cung cấp cho học sinh những kiến thức ban đầu về tiếng Việt, văn hóa và con người Việt Nam.

Nội dung chương trình Việt Nam học thời lượng không ít hơn 70 phút/tuần, học từ lớp 4 đến hết lớp 5. Giúp học sinh hiểu biết cơ bản về các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu và những truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam; hiểu biết đơn giản về vị trí địa lý, lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo, khí hậu, sông núi, tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam; qua đó học sinh hình thành tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc.

Đối với học sinh THCS, THPT: Học tập nội dung chương trình Việt Nam học

Thời lượng không ít hơn 90 phút/tuần, học ở các lớp THCS, THPT.

Nội dung chương trình Việt Nam học cung cấp kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về lịch sử, địa lí, văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam. Bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, sự trân trọng đối với các di sản lịch sử của dân tộc và truyền thống anh hùng trong dựng nước, giữ nước của cha ông.

Đồng thời phát triển những phẩm chất cần thiết của người công dân: thái độ tích cực vì xã hội, tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, yêu lao động, sống nhân ái, có kỷ luật, tôn trọng và làm theo pháp luật, có ý thức tự cường dân tộc, sẵn sàng tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích các cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài giảng dạy chương trình tiếng Việt và chương trình Việt Nam học bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài cho học sinh là người nước ngoài đang theo học tại trường.

Về việc kiểm tra đánh giá, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu, việc tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá nội dung giáo dục bắt buộc cần thực hiện theo Điều 7, Thông tư 04/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Đồng thời yêu cầu các trường trung học có vốn đầu tư nước ngoài dạy chương trình nước ngoài thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc theo quy định tại Điều 6 của thông tư này.

Nội dung chương trình Việt Nam học sau khi thông qua Hội đồng trường, hiệu trưởng nhà trường gửi báo cáo về Sở GD-ĐT trước khi thực hiện, đồng thời lưu trữ hồ sơ để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra theo qui định.

Theo thống kê, hiện nay TP.HCM có 38 trường có yếu tố nước ngoài giảng dạy chương trình nước ngoài. Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận, một số trường, việc dạy tiếng Việt và chương trình Việt Nam học cho học sinh Việt Nam chưa đảm bảo theo đúng quy định.

Yến Hoa

Bình luận (0)