Từ tháng 8 đến nay, bệnh sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu chững lại nhưng bệnh tay chân miệng lại bắt đầu gia tăng và diễn biến phức tạp,nhất là khi năm học mới đã bắt đầu.
Bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho trẻ. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Theo bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn – Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 13.763 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 6 tuần trở lại đây, số ca nhập viện do sốt xuất huyết có dấu hiệu chững lại, đặc biệt trong tuần thứ 33 chỉ có 450 ca nhập viện, trong khi các tuần trước đó thường giao động trên 500 ca bệnh mỗi tuần.
Bác sỹ Lê Hồng Nga cho biết, trong khi số ca mắc sốt xuất huyết đang chững lại thì bệnh tay chân miệng lại gia tăng. Thống kê từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố có 3.410 trẻ em nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng.
Thực tế ghi nhận tại các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ đầu tháng 8, số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị liên tục tăng cao. Riêng số trẻ em phải nhập viện điều trị trong tháng 8 đã tăng hơn 10% so với những tháng trước đó.
Theo bác sỹ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng đã tăng nhiều so với những tháng trước nhưng số trường hợp phải chỉ định điều trị nhập viện chưa nhiều, đa phần là các bác sỹ khám, điều trị và hướng dẫn chăm sóc tại nhà.
Theo các bác sỹ, nhà trẻ và trường học vẫn là môi trường dễ lây lan bệnh tay chân miệng nhất. Tuy nhiên, nguy cơ lây bệnh cũng tiềm ẩn rất nhiều ở những nguồn khác như các điểm vui chơi công cộng, người lớn có thể mang vi trùng từ bên ngoài về hoặc bị lây nhiễm chéo tại bệnh viện.
Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: Bệnh tay chân miệng là một bệnh lành tính nhưng một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… dễ dẫn đến tử vong. Nhà trẻ, trường mẫu giáo là những nơi dễ xuất hiện ổ bệnh và lây lan nhanh chóng, nên cần tập huấn cho giáo viên để phát hiện bệnh sớm.
“Việc phát hiện bệnh là rất quan trọng. Khi thấy trẻ bỏ ăn, quấy khóc, nước miếng chảy nhiều, miệng nổi bóng nước hoặc lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối có bóng nước…thì đó là dấu hiệu của tay chân miệng, cần cho trẻ nghỉ học ngay và thực hiện vệ sinh trường học”, bác sỹ Trương Hữu Khanh cho hay.
Các bác sỹ cũng khuyến cáo, trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể được điều trị tại nhà nhưng khi thấy trẻ sốt cao không hạ, giật mình, choáng váng, nổi bóng nước ở tay, chân, miệng, run tay, run chân, đi đứng không vững… thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời để tránh các biến chứng thần kinh nguy hiểm có thể xảy ra.
Đinh Hằng (TTXVN)
Bình luận (0)