Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

TP Hồ Chí Minh: Tập trung tổng lực dự trữ hàng tết

Tạp Chí Giáo Dục

Trong tháng 10, TPHCM đã nỗ lực kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tình hình kinh tế – xã hội TP trong tháng 10 và những tháng cuối năm 2011 còn gặp nhiều khó khăn. Đó là nhận định của UBND TPHCM tại hội nghị sơ kết tình hình kinh tế – xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm và việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ diễn ra ngày 27-10.

Lãi suất vay còn cao

Dự thảo báo cáo của UBND TP nhận xét: Áp lực tăng giá hàng hóa trên thị trường khá lớn vì nguồn cung hàng nông sản thực phẩm bị hạn chế do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nam bộ. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ đang có xu hướng tăng đã làm tăng chi phí sản xuất và giá cả một số hàng hóa liên quan đến nhập khẩu. Từ đó, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân TP từ nay đến cuối năm.
Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã được kéo xuống, trong khi lãi suất cho vay đầu ra vẫn dao động 20%-22%/năm. Vì vậy TP cần có sự hỗ trợ, chỉ đạo để kéo mức lãi suất xuống, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đại diện Đảng ủy khối Bộ NN-PTNT cho rằng, Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đã ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thủy lợi do dự án bị cắt. Đã có doanh nghiệp nợ lương công nhân vì không có dự án thực hiện. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong khối này tăng trưởng không đáng kể, cố gắng giữ mức tăng trưởng bằng năm 2010.
Dự báo sẽ tiếp tục ngập

Nhiều vấn đề xã hội, dân sinh “nóng” đã được đặt ra tại hội nghị. Đáng lưu ý là dự báo triều cường TP sẽ tăng cao kỷ lục 1,56m vào ngày 28-10. Đây được cho là đỉnh triều cao nhất trong vòng 50 năm qua. Trung tâm Chống ngập TP cho biết, với mức triều cao như vậy, dự kiến có khoảng 20 tuyến đường sẽ bị ngập. Trong đó, nghiêm trọng nhất là 3 tuyến đường Lương Định Của (quận 2), Bến Phú Định (quận 8) và Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh). Ba tuyến này sẽ ngập sâu trung bình 0,5m, những tuyến còn lại chỉ bị ngập cục bộ từng điểm dài 5 – 10m trong khoảng 15 – 30 phút.

Theo Sở NN-PTNT, khả năng một số đê bao, nước sẽ tràn bờ nên các quận, huyện cần kiểm soát thường xuyên, sắm vật tư gia cố. Các quận, huyện có khả năng bị tràn bờ bao như quận 12 (phường Thạnh Xuân và An Phú Đông), Thủ Đức (phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước) và huyện Củ Chi (chủ yếu khu vực ven sông Sài Gòn thuộc xã Bình Mỹ). Các quận, huyện cho biết đã di dời người dân đến nơi an toàn và sẵn sàng ứng phó với tình hình triều cường diễn biến phức tạp.

Về tình hình an ninh trật tự, đại tá Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TP cho biết, các vụ phạm pháp hình sự có chiều hướng giảm nhưng có 3 loại tội phạm tăng so với cùng kỳ năm ngoái: Án giết người tăng hơn 12%, cướp giật tăng 20%, chống người thi hành công vụ tăng 103%. Về tai nạn giao thông, đến nay TP chỉ kéo giảm được một vụ tai nạn, còn số người chết và bị thương đều tăng. Ngoài ra, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây rối vào những đêm cuối tuần vẫn diễn ra thường xuyên, khiến dư luận bất bình, người dân bất an.
Khai thác mạnh thị trường nội địa
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra tại hội nghị. Đối với vấn đề triều cường, ông cho biết, ngày 26-10, TP đã khảo sát tình hình chuẩn bị ứng phó với triều cường của các quận Thủ Đức, Gò Vấp, Phú Nhuận, 2, 7, 9 và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè.

Qua đó, TP nhận thấy có khoảng 15 điểm có nguy cơ sạt lở nặng. Các địa phương phải nâng cao ý thức cộng đồng, đề ra các giải pháp phù hợp; công tác quản lý sông, rạch phải thật kỹ và không được chủ quan với các diễn biến của triều cường và không để xảy ra vấn đề đáng tiếc. Các địa phương phải kiểm tra, nhắc nhở việc lấn chiếm kênh, rạch của người dân. Không để xảy ra các hiện tượng lấn chiếm, rồi khi có xảy ra thiệt hại do triều cường lại đổ cho TP không quan tâm.

Trước tình hình diễn biến khó lường của nền kinh tế, đồng chí Lê Hoàng Quân yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp phải tính toán thật kỹ trong đầu tư, đặc biệt quan tâm thực hiện tiết kiệm. Mục tiêu ưu tiên vẫn là kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công và tái cấu trúc nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, đặc biệt đối với hệ thống tài chính ngân hàng.

Các doanh nghiệp trung ương cần phối hợp với doanh nghiệp TP đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, chú ý khai thác thị trường nội địa tại các tỉnh, thành. Song song đó, phải tập trung tổng lực dự trữ hàng hóa phục vụ dịp tết.

VÂN ANH – HỒNG HIỆP

SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)