Khu vực phía Đông TP.HCM – TP.Thủ Đức sẽ trở thành Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao (KĐTST-TTC), là hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế TP.HCM và khu vực phía Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan sa bàn TP.Thủ Đức
Khu vực phía Đông TP (bao gồm Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức), với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000ha (khoảng 10% diện tích TP.HCM) và quy mô dân số 1.013.795 người (chiếm 12% tổng dân số TP.HCM). Mục tiêu cốt lõi của Đề án thành lập TP.Thủ Đức với KĐTST-TTC phía Đông sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) của TP và khu vực dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển. Bằng cách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST), TP sẽ hình thành được nguồn nhân lực tiên tiến, tăng cường kết nối để tạo cơ hội mới, cân bằng phát triển và môi trường thiên nhiên.
Phát triển kinh tế tri thức
Ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP (đơn vị được UBND TP giao tham mưu xây dựng Đề án KĐTST-TTC phía Đông) – cho biết: Bên cạnh hạ tầng giao thông phát triển, khu vực phía Đông bước đầu hình thành những trung tâm mới về tài chính tại Thủ Thiêm, Q.2; Khu nghiên cứu khoa học – Khu Công nghệ cao (NCKH-CNC) tại Q.9 và Q.Thủ Đức. Đây là một trong những tiền đề để TP đưa ra ý tưởng xây dựng Khu phía Đông của TP trở thành KĐTST-TTC; Trở thành hạt nhân để dẫn đầu, thúc đẩy phát triển kinh tế TP và khu vực phía Nam trong bối cảnh CMCN 4.0, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới.
Phía Đông TP có Hệ sinh thái khởi nghiệp hình thành và phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Đây là điều kiện thuận lợi tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học – CNC, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ khâu NCKH, ứng dụng, sản xuất sản phẩm phụ trợ; Sản xuất sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp CNC, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ… Trong đó, Khu CNC tại Q.9 và khu ĐH Quốc gia TP (Q.Thủ Đức) có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động ĐMST của KĐTST-TTC phía Đông TP. Khu CNC hiện thu hút nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm CNC như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung… với hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu giá trị sản phẩm vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các KCN cả nước. Khu ĐH Quốc gia TP có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá hiện đại, tập trung 12 trường ĐH, viện nghiên cứu, cũng là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ TP mà còn kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Song song đó, khu vực phía Đông đã cơ bản hình thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm Thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc (Q.2) với chức năng chính là trung tâm thương mại – tài chính quốc tế, dịch vụ và dân cư hiện đại.
TP.Thủ Đức – Trung tâm đổi mới sáng tạo
Phát triển TP.Thủ Đức – KĐTST-TTC phía Đông TP giai đoạn 2020-2035 được xác định 8 trung tâm ĐMST. Cụ thể: Khu đô thị mới Thủ Thiêm – Trung tâm công nghệ tài chính: Tiếp tục phát triển các công trình trên Khu đô thị mới Thủ Thiêm và thu hút các hoạt động công nghệ tài chính.
Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc – Trung tâm Thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc: Khu liên hợp này đã được quy hoạch về phát triển thể dục thể thao và chăm sóc sức khỏe thể chất – tinh thần, khai thác xu hướng ngày càng phổ biến của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Đông Nam Á. Đây là một trong các lợi thế cạnh tranh giúp TP.HCM trở nên khác biệt với các đô thị trong vùng, thu hút người lao động có thu nhập cao sinh sống. Khu liên hợp sẽ trở thành một cộng đồng toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin về Đề án thành lập TP.Thủ Đức
Khu CNC – Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học: Khu CNC hiện đã có các nhà đầu tư giáo dục quốc tế và công ty sản xuất sử dụng CNC, là nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương và các tăng trưởng. Khu CNC cần nâng cấp với các hoạt động nghiên cứu phát triển, tự động hóa sản xuất, thiết kế ĐMST để tạo ra sản phẩm mang tính đột phá. Ngoài ra, Khu CNC giai đoạn 2 – Công viên khoa học tại P.Long Phước, Q.9 cũng tiếp tục hình thành và đầu tư xây dựng.
Khu ĐH Quốc gia TP.HCM – Trung tâm CNTT và công nghệ giáo dục: ĐH Quốc gia TP là nơi cung cấp một quần thể giáo dục đào tạo, nhất là ngành CNTT và một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, từ đó mở rộng khả năng nghiên cứu và sáng tạo thông qua việc tăng sự hợp tác và cọ xát với nhiều ngành công nghiệp sáng tạo khác nhau. Cần tạo ra khu vực ĐH Quốc gia là đô thị ĐH với hoạt động giao lưu trao đổi ý tưởng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và sản xuất. Đồng thời hỗ trợ, đào tạo kỹ thuật và phương pháp mới.
Khu Tam Đa, Long Phước – Trung tâm công nghệ sinh thái: Khu Tam Đa cung cấp một cơ hội cho sự sáng tạo trong thiết kế và vận hành, vừa kết nối với các hạ tầng giao thông quan trọng bao gồm cả tuyến đường cao tốc và đường sắt nối với sân bay quốc tế mới, khu vực vừa cho phép phát triển có giới hạn và sử dụng kỹ thuật cao để giảm thiểu tác động môi trường, vừa bảo tồn các khu vực đa dạng nhất về sinh học…
Khu Trường Thọ – Đô thị tương lai: Là một địa điểm lý tưởng để tái phát triển khu vực cảng theo mô hình TP thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị”; Tận dụng lợi thế vị trí nằm gần khu Thảo Điền (Q.2) và các lõi đô thị khác tạo nơi thu hút nhân tài, người thu nhập cao. Những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ sẽ diễn ra tại Khu đô thị Trường Thọ.
Trung tâm kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ, Khu cảng quốc tế Cát Lái: Tiếp tục phát huy thế mạnh của cảng Cát Lái, chuyển đổi công nghệ cảng để hoạt động hiệu quả hơn.
Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam: Trên tất cả các khu vực được phép xây dựng công trình tại 3 quận phía Đông, thực hiện quản lý linh hoạt cho phép tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.
Tương lai của TP.Thủ Đức
Tại buổi họp báo thông tin về kết quả Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 hôm 18-10, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: Đề án thành lập TP.Thủ Đức đã nhận được sự đồng thuận cao, được thống nhất tên gọi. Đề án thành lập TP.Thủ Đức là mô hình TP trong TP, được xây dựng với mong muốn nơi đây trở thành hạt nhân để thúc đẩy kinh tế TP và vùng trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. TP sẽ tiếp tục theo đuổi, hoàn thiện Đề án thành lập TP.Thủ Đức để nơi đây đạt mục tiêu trở thành hạt nhân thúc đẩy nền kinh tế của địa phương và toàn khu vực trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Nói về lợi thế của TP.Thủ Đức, ông Phong nhấn mạnh: Trọng điểm của KĐTST-TTC phía Đông là có đến 8 trung tâm và 3 cực phát triển chính, gồm: Trung tâm Tài chính (Q.2), Khu CNC (Q.9) và Khu ĐH Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức). TP đã có định hướng, kế hoạch cho từng khu vực trong thời gian tới. Cụ thể, TP sẽ xây dựng Công viên khoa học kết nối với Khu CNC Q.9. Ngoài ra, Thường vụ Thành ủy khóa mới sẽ xem xét để thông qua việc thành lập Viện Phát triển công nghệ đổi mới tại Q.9. Bên cạnh đó, Khu ĐH Quốc gia sẽ được kết nối với nhiều trường ĐH trong và ngoài TP. Khu trung tâm giáo dục của TP.Thủ Đức là nơi đào tạo nguồn nhân lực mang tầm quốc tế để phục vụ cho KĐTST-TTC phía Đông.
Để TP.Thủ Đức hình thành và phát triển đúng mục tiêu, ông Phong cho biết, có nhiều việc cần làm trong 5 năm tới. TP đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng TP.Thủ Đức và yêu cầu các sở, ngành cần tập trung triển khai hội nghị nhằm đưa ra kế hoạch, ý tưởng mới cho TP.Thủ Đức. Khi có những ý tưởng mới, TP sẽ thực hiện lên kế hoạch chi tiết để biến ý tưởng thành mô hình, đồ án quy hoạch.
T.Anh
Bình luận (0)