Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.Thủ Đức là nơi chuyển giao công nghệ mới cho khu vực Đông Nam bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 24-12, UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Ông Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ và ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM đồng chủ trì phiên họp.


Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên họp thứ hai

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là phiên họp thứ hai với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm để Ban soạn thảo tiếp tục nghe ý kiến góp ý của các sở ngành, đơn vị quận, phường cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Tại phiên họp lần thứ nhất vào ngày 19-12, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cũng như các sở ngành, UBND các quận đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ, quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Sau phiên họp lần thứ nhất, TP đã chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở ngành, UBND các quận, phường để tiếp tục góp ý sâu làm cơ sở tổng hợp báo cáo Ban soạn thảo cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định.

TP không còn nhiều thời gian, dự kiến ngày 31-12 sẽ công bố Nghị quyết thành lập TP Thủ Đức, cho nên ngoài góp ý chi tiết về nội dung các chương đã được quy định trong dự thảo Nghị định, trên cơ sở thống nhất cuộc họp lần thứ nhất, TP đã nghiên cứu và đề xuất bổ sung về cơ cấu tổ chức bộ máy; vấn đề tài chính ngân sách đối với TP… Đặc biệt, ý tưởng phát triển TP.Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học ứng dụng công nghệ cao, có vai trò rất quan trọng đối với TP.HCM nên cần thiết phải thành lập Phòng Khoa học – Công nghệ.

“TP.Thủ Đức sẽ là mô hình phát triển dựa trên nền kinh tế tri thức, kinh tế số, đồng thời là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh khu vực Đông Nam bộ và mở rộng các dịch vụ, sản phẩm công nghệ 4.0 phục vụ phát triển kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Để thực hiện ý tưởng này phải được tiếp sức, được xây dụng bởi cơ chế của TP.HCM”, Chủ tịch UBND TP nói.

“Riêng các nội dung về cơ chế chính sách, với đặc thù TP.HCM phát triển TP.Thủ Đức nên TP kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định riêng như đã báo cáo để giúp cho TP.HCM phát triển”, Chủ tịch UBND TP nói thêm.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, nhằm đảm bảo đồng bộ tiến độ triển khai công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; cho các việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp sắp tới, Nghị định Chính phủ quy định cụ thể hướng dẫn tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM cần được ban hành kịp thời. Theo quy định, sau khi Ban soạn thảo, Bộ Nội vụ hoàn thiện nội dung thì Bộ Tư pháp thẩm định sau đó đến các bộ khác. Như vậy, TP.HCM rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cơ quan trung ương để Nghị định này sớm được ban hành.


Sau khi thành lập, TP.Thủ Đức được phát triển trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao

Trước đó tại phiên họp lần thứ nhất, ông Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng thông tin, hiện nay dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Tuy nhiên, dự thảo vẫn tiếp tục hoàn thiện để trong thời gian ngắn nhất trình Chính phủ ban hành Nghị định triển khai thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội chính thức có hiệu lực từ 1-1-2021 và triển khai thực hiện từ đầu tháng 7-2021.

Hiện dự thảo Nghị định có 7 chương và 44 điều, trong đó liên quan đến các vấn đề chủ yếu: tổ chức và hoạt động của UBND quận, phường; tổ chức bộ máy với UBND quận, phường; chế độ công chức, viên chức khi triển khai thực hiện chính quyền đô thị, đặc biệt là các cơ quan hành chính đóng trên địa bàn quận và phường; dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước khi mà quận, phường không còn tổ chức HĐND.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)