Chiều 19-1, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị báo cáo chuyên đề “Xây dựng TP.Thủ Đức thành đô thị sáng tạo tương tác cao, TP kinh tế tri thức, hạt nhân phát triển vùng kinh tế 4.0 phía Nam”.
GS. Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị
CNTT-TT thúc đẩy tăng năng suất lao động
Tại hội nghị, trước khi nói đến xây dựng TP.Thủ Đức thành đô thị sáng tạo tương tác cao, TP kinh tế tri thức, hạt nhân phát triển vùng kinh tế 4.0 phía Nam, GS. Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã nói đến việc tìm các giải pháp đột phá tăng năng suất lao động của TP.HCM thời kỳ 2020-2030/2045 dựa trên 5 bài học: nhận định từ tình hình Việt Nam; nhận định từ tình hình TP.HCM; bài học năng suất lao động tăng cao nhất của ngành công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT); vai trò cách mạng công nghiệp lần thứ tư; và bài học thành công của TP.Montreal (Canada) trở thành một thủ đô trí tuệ nhân tạo.
Trong 5 bài học, ông nhấn mạnh đến bài học năng suất lao động tăng cao nhất của ngành CNTT-TT. Cụ thể, năm 2000, đóng góp của CNTT-TT chỉ khoảng 0,5% GDP của Việt Nam với doanh thu 300 triệu USD và số lao động chỉ chiếm khoảng 0,11% tổng số lao động của Việt Nam. Ngành công nghiệp CNTT-TT được coi là ngành kinh tế (cấp 2) nhỏ, thua kém các ngành khác như nông nghiệp, dầu khí, thương mại, xây dựng.
Tuy nhiên, sau 20 năm, công nghiệp CNTT-TT đã có bước phát triển nhảy vọt. Doanh thu năm 2019 là 120 tỷ USD, gấp 400 lần năm 2000, tương ứng mức tăng trưởng bình quân 37%/năm trong suốt 19 năm. Số lao động hơn 1,03 triệu người, gấp 20 lần năm 2000, chiếm 1,88% tổng số lao động Việt Nam. Mặt khác, năng suất lao động gấp 7,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước; đóng góp 14,3% vào GDP của Việt Nam, gấp 28 lần năm 2000; xuất khẩu giá trị 89,2 tỷ USD, chiếm 33.7% xuất khẩu của Việt Nam; và giá trị xuất khẩu 1 lao động tạo ra 1 năm gấp 18 lần bình quân cả nước.
Như vậy, từ chỗ là một ngành công nghiệp nhỏ bé của Việt Nam vào năm 2000, sau 20 năm công nghiệp CNTT-TT đã trở thành ngành kinh tế lớn nhất Việt Nam, có mức tăng trưởng, năng suất lao động cao nhất và giá trị xuất khẩu lớn nhất.
Theo GS. Nguyễn Thiện Nhân, năng suất lao động ngành CNTT-TT cao gấp 7,6 lần năng suất lao động cả nước và đóng góp 14,3% GDP Việt Nam, thì ngoài chiếm 1,88% lao động Việt Nam, còn do lao động được chọn lọc, trình độ tốt nghiệp THPT trở lên và đầu tư nước ngoài lớn. Suất đầu tư nước ngoài tính cho 1 lao động là 20.000 USD, cao gấp 4,65 lần bình quân ngành khác. Ngoài ra, đội ngũ doanh nhân trẻ, kỹ sư Việt Nam quyết tâm, năng động, sáng tạo, làm chủ công nghệ mới.
Như vậy, TP.HCM hoàn toàn có thể tăng năng suất lao động không chỉ cao hơn 2,5 lần năng suất lao động Việt Nam như hiện nay mà có thể cao hơn nữa, gấp 5-7 lần, nếu tận dụng tất cả lợi thế của Việt Nam một cách hiệu quả cao vào địa phương. Đồng thời khắc phục những yếu kém về thể chế, hạ tầng và nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ ở TP.HCM; tạo ra các điều kiện để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và trong nước vào sản xuất, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh bài học năng suất lao động tăng cao nhất của ngành CNTT-TT, GS. Nguyễn Thiện Nhân còn đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Đây được xem là thời cơ lớn nhất của thời đại trong việc đột phá tăng năng suất lao động và thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội.
“Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo theo dự báo của các tổ chức tư vấn quốc tế sẽ đem lại gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh ở tất cả các ngành nghề và kéo theo tăng tỉ suất lợi nhuận so với trường hợp không ứng dụng trí tuệ nhân tạo”, GS. Nguyễn Thiện Nhân nói.
TP.Thủ Đức sẽ là không gian sáng tạo lớn nhất cả nước
Nói đến việc xây dựng TP.Thủ Đức thành đô thị sáng tạo tương tác cao, TP kinh tế tri thức, hạt nhân phát triển vùng kinh tế 4.0 phía Nam, GS. Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải có các loại hạ tầng đặc thù và kết nối chặt chẽ với nhau. Gồm: hạ tầng kinh tế 4.0; hạ tầng giao thông và dịch vụ đô thị; hạ tầng tài chính – thương mại; hạ tầng xã hội; quản lý thành phố dân chủ, thông minh, hiệu quả.
Đối với TP.Thủ Đức, thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận (quận 2, 9 và Thủ Đức) không phải là cơ học mà là sáp nhập hình thành tổ chức mới, yếu tố bên trong mới để phát triển cao hơn. Bởi lẽ, hơn 20 năm phát triển, 3 quận đã hình thành một số tiền đề, cấu phần quan trọng cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, trong một không gian địa lí đủ các điều kiện để có thể hành thành sự tương tác mạnh mẽ giữa các cấu phần, có thể hình thành hệ sinh thái của kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo.
Nổi bật, khu vực này có khu công nghệ cao với hơn 140 dự án có tổng đầu tư hơn 7 tỷ USD, hơn 30.000 lao động, xuất khẩu hơn 13 tỷ USD; khu đô thị mới Thủ Thiêm có quy hoạch xây dựng trung tâm tài chính lớn nhất Việt Nam; có khu công nghiệp Cát Lái 2; quy hoạch xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch, trung tâm triển lãm, hội chợ quốc tế; có đại học văn hóa; cảng Cát Lái – cảng container lớn nhất Việt Nam; cụm đại học quốc gia với 100.000 sinh viên, hơn 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ; có khu chế xuất Linh Trung.
Theo quy hoạch, dân số Thủ Đức 2040 khoảng 2 triệu người và 2060 là 3 triệu người. Với các hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng kinh tế 4.0, quy mô dân số đủ lớn, liên kết chặt chẽ với các quận còn lại của TP.HCM, thì TP.Thủ Đức sẽ vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế; vừa là không gian sáng tạo và sản xuất dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn nhất Việt Nam và quốc tế.
TP.Thủ Đức cũng sẽ là một trung tâm cung cấp các giải pháp 4.0 cho phát triển của TP.HCM và các tỉnh lân cận, hướng tới giải pháp xuất khẩu các giải pháp và sản phẩm 4.0. Với vị trí giao thông đặc biệt thuận lợi sẽ giúp TP.HCM kết nối, tương tác mạnh mẽ với các tỉnh lân cận và kinh tế 4.0 ở phía Nam đất nước.
GS. Nguyễn Thiện Nhân – cho biết thêm, năng suất lao động của khu công nghệ cao TP.HCM gấp 16,6 lần năng suất lao động của Việt Nam và 6,6 lần năng suất lao động của TP.HCM. Nếu sau 5-10 năm năng suất lao động của TP. Thủ Đức gấp 3 lần năng suất lao động của TP.HCM, với dân số và lực lượng lao động TP. Thủ Đức chiếm 10% dân số và lao động TP.HCM, thì giá trị đóng góp GRDP của TP. Thủ Đức vào kinh tế TP.HCM là 30%, tương đương 6,6% GDP của Việt Nam.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)