Ngày 31-12-2020, UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP.Thủ Đức.
TP.Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển vượt bậc. Ảnh: Duy Tạch
Đóng góp 7% GDP cả nước
TP.Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập 3 quận (gồm quận 2, 9 và Thủ Đức) với tổng diện tích tự nhiên 211,56km2 và quy mô dân số hơn 1 triệu dân, với 34 phường. Nơi đây có vị trí quan trọng trong vùng tam giác TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Việc thành lập TP với tên gọi Thủ Đức là thể hiện giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống lâu đời; là tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị mới, nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý, phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp.
TP.Thủ Đức cũng là tiền đề quan trọng để hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của TP.HCM; là vùng động lực phát triển kinh tế mới cho TP.HCM; là mô hình phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế số gắn với môi trường sống thân thiện, khuyến khích phát triển gia đình bền vững. TP này còn được xem là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh Đông Nam bộ, mở rộng áp dụng dịch vụ và sản phẩm công nghệ 4.0 tại các tỉnh Đông và Tây Nam bộ.
Điều kiện để hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao hết sức thuận lợi. Hiện vùng đất này đã hình thành nhiều cơ sở kinh tế, GD-ĐT, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng như: Khu Công nghệ cao TP.HCM (giai đoạn 2010-2020 thu hút trên 7 tỷ USD, đầu tư và xuất khẩu 77 tỷ USD); có cụm đại học phía Đông TP với hơn 100.000 sinh viên và 12.000 giảng viên, trong đó có hơn 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ; có vành đai 3, tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên, khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Về quy mô kinh tế, năm 2019, quận 2, 9 và Thủ Đức đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. Giai đoạn 2016-2019 thu ngân sách đạt 37.158 tỷ đồng, chi ngân sách đạt 11.174 tỷ đồng.
Hỗ trợ người dân chuyển đổi giấy tờ
Tại phiên họp lần hai Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin, dự kiến bộ máy TP.Thủ Đức hoạt động từ ngày 1-3-2021; HĐND quận 2, 9 và Thủ Đức cũng kết thúc nhiệm vụ tại thời điểm này.
Để chuẩn bị cho bộ máy chính quyền nơi đây, TP.HCM đề xuất Trung ương cho phép TP Thủ Đức có tối đa 4 phó chủ tịch, 13 phòng ban chuyên môn, số lượng phó, trưởng phòng bình quân mỗi phòng là 3 người. TP.Thủ Đức sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ cao cho nên cần thành lập Phòng Khoa học – Công nghệ thuộc UBND TP.Thủ Đức. Đồng thời, TP sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định riêng về nội dung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Thủ Đức.
Theo Nghị quyết 1111, sau khi thành lập TP.Thủ Đức, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP.Thủ Đức gồm: nhập toàn bộ phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm; Thành lập phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ phường Bình Khánh và phường Bình An.
Nghị quyết đồng thời giải thể Tòa án Nhân dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức để thành lập Tòa án Nhân dân TP.Thủ Đức (tòa này gồm các tòa chuyên trách: tòa hình sự; tòa dân sự; tòa gia đình và người chưa thành niên; tòa xử lý hành chính; tòa kinh tế); giải thể Viện Kiểm sát Nhân dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức để thành lập Viện Kiểm sát nhân dân TP.Thủ Đức.
Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Thủ Đức có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết 1111 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Nghị quyết giao Chính phủ, HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Hiện tổng số cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đây là 1.221 người. Theo kế hoạch, trước mắt TP bố trí 822 người trong các cơ quan, tổ chức của bộ máy TP, dôi dư 399 người. Số người dôi dư có thể xem xét bố trí điều động về công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quận hoặc sang quận, huyện khác và các sở, ngành của TP. Đồng thời thực hiện chính sách tinh giản biên chế, chế độ nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi); giải quyết thôi việc theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm theo quy định. Thời gian thực hiện đến hết 31-12-2022. Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sẽ động viên thôi việc, hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, chính sách của TP. Đối với người dân, chính quyền sẽ hỗ trợ người dân 3 quận trong chuyển đổi giấy tờ khi sáp nhập với lộ trình rõ ràng, tạo thuận lợi và không gây phiền hà.
Minh Phương
Bình luận (0)