Ngày 29-9, Thường trực Thành ủy và UBND TPHCM đã có buổi làm việc với nhóm chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) về kinh nghiệm và các giải pháp công nghệ chống ngập cho TPHCM. Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Xây nhiều cống ngăn triều dọc sông Sài Gòn
Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM, nhằm giải quyết tình trạng ngập trong thời gian tới, thành phố tiếp tục hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020. TP đầu tư nâng cấp 1.856km cống cũ các loại để đáp ứng với điều kiện thời tiết; tăng cường công tác quản lý, duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước nhằm phát huy hết khả năng thoát nước của hệ thống hiện hữu, giải tỏa các trường hợp xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước làm thu hẹp dòng chảy. Để cơ bản đáp ứng yêu cầu thoát nước mưa, trong giai đoạn 2016 – 2020 thành phố sẽ triển khai 84 dự án với dự kiến kinh phí là 11.610 tỷ đồng.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM thường ngập nặng sau mưa. Ảnh Cao Thăng
Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM Nguyễn Ngọc Công cho biết, dự kiến cuối năm 2015 và đầu năm 2016, TP sẽ khởi công xây dựng 6 cống ngăn triều dọc các cửa sông lớn gồm: cống Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 68 cống ngăn triều nhỏ, 7km đê bao dọc bờ hữu sông Sài Gòn chống ngập cho khu vực trung tâm TPHCM với tổng kinh phí khoảng 9.850 tỷ đồng. Để xóa ngập triệt để 31 điểm ngập cho khu vực trung tâm thành phố trong năm 2016, sẽ tiếp tục xây 2 cống ngăn triều lớn còn lại là Vàm Thuật và Rạch Nước Lên. Như vậy, sau khi hoàn thành hệ thống đê bao và các cống ngăn triều trên, bên trong nội đô TP tiếp tục xây dựng và cải tạo hệ thống cống thoát nước, nạo vét kênh rạch, nâng cao đường trũng cục bộ, xây dựng hồ điều tiết mới, hy vọng giải quyết hết 31 điểm ngập nặng hiện nay.
Giải pháp phải hài hòa
Tại cuộc họp về giải pháp chống ngập cho TPHCM, các chuyên gia đến từ Đức, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc)… cho rằng tình trạng ngập lụt tại TPHCM đã tới mức “báo động đỏ”, điển hình là những trận mưa đầu tháng 9 vừa qua.
Nhóm chuyên gia khuyến nghị TP nên ứng dụng toàn bộ công nghệ mới để nâng cấp các hệ thống thoát nước cũ và xây dựng cơ sở hạ tầng mới cho công tác chống ngập, với thời gian nhanh hơn và độ bền tốt hơn. Cụ thể có 3 nhóm giải pháp như khẩn cấp, ngắn hạn và dài hạn. Nhóm chuyên gia đề xuất, trước mắt sẽ nghiên cứu, khảo sát lại toàn bộ các giải pháp mà TPHCM đang triển khai để có những cơ sở, dữ liệu chính xác nhằm triển khai công việc. Kế hoạch chống ngập cho TPHCM sẽ được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy hoạch cũ và bổ sung các giải pháp mới… Nhóm chuyên gia sẽ hỗ trợ TP về ý tưởng để tham khảo, kêu gọi các nguồn vốn ODA, các nguồn xã hội hóa, cử chuyên gia hướng dẫn, đào tạo và triển khai các công việc khác.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại các đề án chống ngập đã và đang triển khai, trong đó lưu ý các quy hoạch chống ngập của TP và quy hoạch chống ngập Thủ tướng đã phê duyệt, phải hài hòa và bổ sung cho nhau. “Ngập và triều cường đang chuyển biến rất phức tạp, TP cần nghiên cứu các giải pháp, phối hợp kinh nghiệm của các chuyên gia trên thế giới để thực hiện cho tốt” – đồng chí Bí thư Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Theo Quốc Hùng/ SGGP
Bình luận (0)