Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TPHCM: Bệnh viện quá tải, áp lực đè nặng

Tạp Chí Giáo Dục

“Càng ngày càng có nhiều người mắc COVID-19 cần điều trị, số bệnh chuyển nặng cũng nhiều hơn, trong khi năng lực tiếp nhận, đội ngũ cơ sở vật chất, trang thiết bị có giới hạn đang tạo ra áp lực rất lớn”, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM cho biết tại buổi họp báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 5/8.
 Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang gia tăng từng ngày ở TPHCM
Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang gia tăng từng ngày ở TPHCM

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho thấy, từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn có 108.370 trường hợp mắc COVID-19. Hiện các bệnh viện được sở y tế phân công điều trị COVID-19 đang điều trị cho 33.378 trường hợp, trong đó có 2.070 người bệnh cần được hỗ trợ hô hấp, 1.331 trường hợp nặng (1.277 người phải thở máy) 39 ca lọc máu và 15 ca phải sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 2.105 trường hợp tử vong sau khi mắc COVID-19.

Theo đại diện Sở Y tế, thời gian qua thành phố đã nỗ lực thiết lập và liên tục mở thêm các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19, thực hiện mô hình bệnh viện tách đôi vừa điều trị các bệnh lý thông thường, vừa điều trị bệnh nhân COVID-19 đồng thời mở thêm các bệnh viện điều trị ca bệnh nặng với sự tham gia của cả hệ thống y tế tư nhân và y tế công lập.

Quá tải

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng được thiết lập đến đâu thì bệnh nhân lấp đầy đến đó, hiện nay tầng cao nhất trong hệ thống phục vụ điều trị ca bệnh nặng đã rơi vào quá tải, trong khi số ca bệnh nặng ngày càng nhiều. Sở Y tế TPHCM đang rất nóng ruột và mong muốn các Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bộ Y tế kêu gọi các bệnh viện đầu ngành trên cả nước tiếp ứng sớm đi vào hoạt động để giảm số ca tử vong nhưng đến nay mới có Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đi vào hoạt động với 50 giường ban đầu.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, toàn thành phố hiện có 193 cơ sở cách ly F0, từ tầng thu dung, điều trị COVID-19, thành phố có 55 cơ sở từ bệnh viện dã chiến đến bệnh viện trong và ngoài công lập, trên thực tế các giường bệnh thực kê từ tầng 3 đến tầng 5, nơi điều trị bệnh nặng và nguy kịch, hiện đã đầy công suất.

Không chỉ bệnh viện quá tải, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang khiến cho đời sống của người dân đặc biệt là những người lao động, gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo rơi vào cảnh khó khăn. Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sau khi hoàn thành hỗ trợ đợt một, thành phố tiếp tục triển khai hỗ trợ đợt hai cho người lao động không có giao kết hợp đồng gặp khó khăn do dịch COVID-19, dự kiến đợt hỗ trợ này sẽ kéo dài trong 30 ngày. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lần/người lao động đang gặp khó khăn. Số người lao động dự kiến được hỗ trợ là 334.192 người với kinh phí hơn 501 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố.

Thành phố cũng tiến hành hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu phong tỏa… với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lần/hộ, dự kiến sẽ có 90.585 hộ được hưởng chính sách này. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 390 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và xã hội hóa.

Khó khăn phía trước

Ông Phan Văn Mãi cho biết, thời gian tới, cùng với những phương án đẩy mạnh dập dịch ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, thành phố sẽ tập trung vào việc chăm sóc, điều trị cho các ca nhập viện, điều trị, ngăn chặn nguy cơ tử vong. Hiện nay, ngành y tế đã lên phương án trong thời gian ngắn sẽ chuyển thêm 3 bệnh viện sang điều trị COVID ở tầng thu dung lên tầng điều trị nhằm tăng thêm năng lực khoảng 1.000 giường. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã có 500 giường đi vào hoạt động sẽ khẩn trương mở rộng lên 1.000 giường

Theo ông Phan Văn Mãi, các phương án hỗ trợ thực phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, người dân đang gặp khó khăn sẽ không dừng lại ở một tuần mà có thể phải chuẩn bị cho nhiều tháng. Trong lúc khó khăn này, thành phố mong muốn người dân sẽ chung tay giúp đỡ lẫn nhau, bên cạnh đó, nguồn hỗ trợ từ các tỉnh, ngân sách và quỹ dự trữ sẽ được tăng cường để mua gạo, thực phẩm tiếp cận với mọi người, mọi nhà với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị thiếu đói trong dịch bệnh”.

Ngày 5/8, bác sĩ Nguyễn Tấn Bình – Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký công văn hỏa tốc gửi đến Trung tâm cấp cứu 115, các bệnh viện công lập và ngoài công lập, bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 cùng các Trung tâm y tế TP Thủ Đức và các quận huyện, yêu cầu sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu tại đơn vị. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người; không được yêu cầu người bệnh phải có kết quả xét nghiệm nhanh hoặc PCR dương tính với SARS-CoV-2 mới tiếp nhận.

 Lâm Trần

Theo Vân Sơn /TPO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)