Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

TPHCM: Công bố 246 điểm bán hàng thực phẩm đạt chuẩn VietGAP

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7-12, Sở Công thương TPHCM đã chính thức công bố hệ thống các điểm bán hàng thực phẩm được công nhận Chuỗi thực phẩm an toàn (TPAT), đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP. Đây là kết quả của quá trình TPHCM quyết tâm, kiên trì triển khai “Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm tại TPHCM giai đoạn 2013 – 2015”. Với cách làm này, TPHCM trở thành địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thành công bước đầu mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc “từ trang trại đến bàn ăn”.

5 đơn vị đầu tiên đăng ký 246 điểm bán 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, có 5 đơn vị đầu tiên chính thức đăng ký thực hiện phân phối sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, HACCP trên địa bàn TP, với tổng số 246 điểm bán. Nhóm các mặt hàng được đưa vào chuỗi chủ yếu vẫn là rau củ quả, thịt gia súc, thịt gia cầm và trứng gia cầm đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. TP đã đưa ra tiêu chí chung cho các cửa hàng, cũng như từng sản phẩm sẽ được quản lý theo đúng quy trình từ chỉ dẫn địa lý đến nơi giết mổ và điểm bán cuối cùng, giúp người dân có thể an tâm mua sắm.

Cụ thể, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đăng ký phân phối rau an toàn và thịt heo VietGAP tại các siêu thị Satramart, Satrafood. Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản – Vissan đăng ký cung ứng sản phẩm thịt heo đạt chuẩn VietGAP và thịt bò đạt chuẩn Escas (quy trình giết mổ nhân đạo và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) trên toàn bộ hệ thống quầy kinh doanh thịt tươi sống của công ty tại các điểm bán gồm cả hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opFood; Satrafood và 31 cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan. Chi nhánh Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Chăn nuôi và chế biến thức phẩm Sài Gòn đăng ký cung ứng thịt heo đạt chuẩn VietGAP, thịt gà tam hoàng và thực phẩm chế biến được chứng nhận chuỗi TPAT tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op và 5 cửa hàng trực thuộc. HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào đăng ký phân phối sản phẩm rau củ quả đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP và sản phẩm được công nhận chuỗi TPAT tại 2 cửa hàng tiện lợi tại quận 1 và quận Phú Nhuận.

Riêng Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM Saigon Co.op đăng ký phân phối 4.000 mặt hàng lương thực – TPAT đạt chuẩn ISO, HACCP, GMP và 224 mặt hàng rau củ quả, thịt gà, trứng gà và thịt heo đạt chuẩn VietGAP tại 176 điểm bán trong hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra và Co.opFood. Đồng thời cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để nhân rộng mô hình trên cả nước.

Khách hàng mua rau VietGAP tại Coopmart Cống Quỳnh. Ảnh: CAO THĂNG

Bên cạnh việc công bố các điểm bán, ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng cho biết, các DN của TP được công nhận chuỗi TPAT như HTX như Phước An, Phú Lộc, Thảo Nguyên, Anh Đào; thịt gia súc của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty An Hạ; thịt gia cầm của Công ty Phạm Tôn; trứng gia cầm của Công ty Ba Huân, Adeco…

Tại hội nghị, lãnh đạo của các sở công thương, các DN của các tỉnh, thành và DN tỏ ra vui mừng vì lâu nay, những e ngại từ việc sản xuất hàng VietGAP sẽ tiêu thụ ở đâu, giá bán bao nhiêu là phù hợp đã được giải tỏa. Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết, sau cuộc họp, các sở, ngành của Đồng Tháp sẽ phối hợp để hỗ trợ các DN tổ chức lại sản xuất để tăng lượng hàng VietGAP cho TPHCM. Theo các DN bình ổn thị trường, khả năng tăng nguồn cung hàng VietGAP là rất khả quan vì nguồn đất để sản xuất còn rất lớn. Đây sẽ là điều kiện để DN mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP.

Ưu tiên sản xuất và phân phối thực phẩm sạch 

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhìn nhận, ngay từ năm 2013, Sở Công thương TP đã thực hiện ký kết với Saigon Co.op thử nghiệm tổ chức khu vực riêng biệt tại các siêu thị Co.opmart để phân phối sản phẩm rau củ quả đạt chuẩn VietGAP, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt, lựa chọn, an tâm mua sắm và tiêu dùng. Đối với hệ thống phân phối truyền thống, đã có 2 chợ đăng ký thực hiện mô hình Chợ ATTP là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành đang được hỗ trợ triển khai để sớm công bố trong thời gian tới đây. “Thực tế chỉ ra rằng, để triển khai được chuỗi hệ thống phân phối TPAT là điều không đơn giản, vì nguồn cung các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP vẫn chưa dồi dào, phong phú. Nhưng nếu TPHCM không quyết tâm triển khai thực hiện thì không biết khi nào đề án chuỗi mới mang lại kết quả”, ông Lê Văn Khoa nhấn mạnh.

Với 246 điểm bán mà 5 đơn vị đầu tiên đăng ký thực chất là TPHCM đang triển khai chuỗi theo dạng “cuốn chiếu”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không thể làm một cách đại trà. Để ổn định nguồn cung, Sở Công thương TPHCM yêu cầu các nhà cung cấp, trước mắt ưu tiên sản phẩm VietGAP cho các cửa hàng tham gia chuỗi. 

Việc hình thành chuỗi các điểm phân phối, TPHCM thể hiện rõ quan điểm sẽ hỗ trợ, khuyến khích các DN, HTX tăng cường đầu tư, phát triển nhiều hơn các trang trại chăn nuôi và gieo trồng được công nhận VietGAP, từng bước đẩy lùi tình trạng sản xuất thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại. Nếu các điểm bán này thực hiện và tuân thủ tốt các quy định, chắc chắn sẽ tạo sức lan tỏa đến nhiều DN sản xuất và phân phối khác, bởi chủ thể thực hiện chính là các DN, Nhà nước chỉ đưa ra định hướng và kết nối chứ không thể làm thay cho DN được. Tuy vậy, để thành công, ngoài sự nỗ lực của các DN, sự triển khai chỉ đạo quyết liệt của các cấp, sở ngành thì rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó khâu tuyên truyền, vận động để từng bước thay đổi ý thức tiêu dùng của người dân là rất quan trọng. Nói cách khác, chính ý thức mua sắm của người tiêu dùng sẽ mang tính quyết định đến sự sống còn, sự thành công của mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn.

Thúy Hải/ SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)