Là địa phương tiên phong dạy nhiều ngoại ngữ, đến nay TPHCM đang triển khai dạy 6 tiếng nước ngoài gồm: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Trung. Tuy gặp một số khó khăn nhưng chủ trương này đã tạo cơ hội cho học sinh học ngoại ngữ theo nhu cầu, sở trường và đáp ứng xu hướng hội nhập giáo dục và thị trường lao động toàn cầu.
Học sinh lớp 6 Trường THCS Võ Trường Toản quận 1, TPHCM trong giờ học tiếng Nhật với giáo viên người Nhật Ảnh: KHÁNH BÌNH
Chọn lựa theo nhu cầu và đam mê
Những giờ học tiếng Nhật của các khối lớp thuộc Trường THCS Võ Trường Toản luôn sôi động và các em cảm thấy hào hứng. Ngay từ năm đầu cấp (lớp 6), các em đã lựa chọn tiếng Nhật là ngoại ngữ 1 (bắt buộc) và đeo đuổi đam mê khám phá ngôn ngữ của xứ sở Phù Tang này. Khi trả lời những câu hỏi: “Vì sao chọn học tiếng Nhật?”. Học sinh lớp 7/4 của trường đưa ra nhiều lý do khác nhau nhưng điểm chung là mong muốn tìm hiểu khám phá con người, văn hóa, ẩm thực của Nhật Bản. Một số em ấp ủ giấc mơ sẽ đi du học ở đất nước mặt trời mọc này. Tại một lớp học khác, học sinh lớp 6 của trường cũng đang học và chơi trò chơi đoán chữ với giáo viên người Nhật. Các em cũng tỏ ra thích thú với giờ học này. Theo thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản quận 1 TPHCM, sau 13 năm triển khai dạy tiếng Nhật tăng cường, học sinh của trường thích nghi khá tốt, ít có em bỏ học dở chừng và theo lộ trình các em tiếp tục vào học ở các trường THPT có dạy tiếng Nhật. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT và có hành trang tiếng Nhật vững vàng đã tìm được học bổng du học tại thị trường này. Bên cạnh đó, Trường THCS Võ Trường Toản cũng mới triển khai thí điểm dạy một lớp tiếng Đức từ năm học này.
Tương tự, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) cũng có thâm niên hơn 10 năm dạy tăng cường tiếng Nhật cho học sinh các khối lớp và đang thí điểm dạy tiếng Đức cho học sinh lớp 6 và 7 khá thành công. Theo các phụ huynh đang cho con học tiếng Nhật ngoại ngữ 1 ở trường này, họ định hướng cho con em mình đi du học, làm việc ở Nhật Bản. Tuy phần đông học sinh theo đuổi đam mê đã chọn nhưng mỗi năm cũng có vài em xin ra để học lớp tiếng Anh vì không theo nổi chương trình. Nhà trường chỉ giải quyết nguyện vọng khi mới hết lớp 6, còn lại vẫn phải theo học hết chương trình để không làm xáo trộn quản lý.
Tuy chương trình song ngữ tiếng Pháp đã triển khai ở TPHCM 25 năm qua, nhưng một số trường cũng gặp không ít trở ngại, khó khăn khi duy trì sĩ số tuyển sinh. Nguyên nhân là do nhiều phụ huynh chọn tiếng Pháp mà không tham khảo sở thích của con nên học dở chừng, bị đuối, nhiều em xin ra học tiếng Anh. Việc này gây khó cho nhà trường, vì khi chuyển qua học ngoại ngữ khác, các em khó theo kịp chương trình. Tương tự, mỗi năm Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cũng tuyển sinh 1-2 lớp song ngữ tiếng Pháp nhưng cũng có học sinh phải ở lại lớp vì yếu cả ba môn tiếng Pháp, toán Pháp và tiếng Anh.
Theo một số hiệu trưởng, việc chọn học ngoại ngữ nào với loại hình nào là do phụ huynh học sinh tự nguyện đăng ký ngay từ đầu năm và được nhà trường tư vấn rất kỹ. Vì thế, khi đã chọn ngoại ngữ 1 (bắt buộc) thì học sinh phải tuân thủ theo học xuyên suốt quá trình học và việc gãy gánh giữa đường sẽ ảnh hưởng đến việc dạy học và thi cử, chuyển cấp của các em.
Xu hướng học thêm ngoại ngữ hai
Thực tế cho thấy, bên cạnh ngoại ngữ tiếng Anh là chủ lực, những trường tham gia dạy ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 1 và 2) đều là những trường “điểm” của TP hoặc của quận. Không chỉ có đầu vào tuyển sinh đạt chất lượng cao, học sinh đạt chuẩn quốc tế về trình độ tiếng Anh… các trường này đều có điều kiện cơ sở vật chất tốt. Những năm gần đây, khi triển khai dạy thêm một số ngoại ngữ hai như tiếng Đức, Nhật, Hàn, nhiều trường THCS và THPT của TP đã tham gia và thu hút số lượng học sinh khá đông. Sau 4 năm triển khai ngoại ngữ 2 là tiếng Đức ở nhiều trường THPT như Nguyễn Thượng Hiền, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá là tạo hiệu ứng khá thành công vì thu hút đông học sinh theo học. Theo nhận định của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, sau 3 năm triển khai, học sinh chọn ngoại ngữ hai là tiếng Đức học rất tốt. Trong năm học trước, có 3 học sinh của trường vinh dự nhận học bổng qua Đức du học hè (3 tháng) hoàn toàn miễn phí.
Là trường đầu tiên thí điểm dạy tiếng Hàn Quốc từ năm học trước, Trường Trung học Thực hành Sài Gòn hợp tác với Trung tâm Hàn Quốc học (Sejong, thuộc ĐH Sư phạm TP) đã truyền cảm hứng cho học trò làm quen với ngôn ngữ ở xứ sở kim chi. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Long Sơn, vừa nhận được thông báo đã có 47 em đăng ký ngay và nhà trường phải tổ chức 2 lớp. Điều đáng nói là dù theo học ngoại ngữ hai, các em vẫn học tiếng Anh bình thường và đạt kết quả rất tốt, chứ không bị ảnh hưởng gì.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, từ năm học 2016-2017, TPHCM bắt đầu thí điểm dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 2 trong các trường THCS và THPT. Theo đó, có hơn 500 học sinh đăng ký học tiếng Hàn tại 4 trường gồm: THCS Hoa Lư (quận 9), THCS Bình Thọ (Thủ Đức), THPT Thủ Đức và THPT Bùi Thị Xuân. Trước đó, có hai trường THPT triển khai tiếng Hàn làm ngoại ngữ tự chọn là Trần Đại Nghĩa và Marie Curie.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, để đáp ứng nhu cầu đa dạng về học ngoại ngữ cho học sinh TPHCM, ngành giáo dục thành phố chủ trương đưa vào giảng dạy nhiều thứ tiếng. Sắp tới có thể thí điểm dạy tiếng Tây Ban Nha… Việc khuyến khích học thêm ngoại ngữ 2 và đa dạng hóa các loại ngoại ngữ trong trường học nhằm đáp ứng nhu cầu của người học trong xu thế hội nhập quốc tế. Như thế, ngoài hành trang tiếng Anh giỏi (ngoại ngữ 1 – bắt buộc), học sinh bậc THCS và THPT có thể chọn học thêm ngoại ngữ 2 hoặc ngược lại. Vấn đề đặt ra là sự chọn lựa học ngoại ngữ 1 hoặc 2 phải dựa trên tinh thần tự nguyện, theo sở trường và học sinh, phụ huynh phải cân nhắc kỹ để không bỏ cuộc khi chưa đi đến đích.
Khánh Hà/ SGGP
Bình luận (0)