Tại thời điểm này, ngành công thương TPHCM đang tất bật triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2016. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là chuẩn bị kế hoạch cung cầu hàng hoá, giám sát thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới.
Hoàn tất kế hoạch hàng hóa tết
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cách nhau chưa đầy một tháng, do vậy, sức mua có thể sẽ dồn vào dịp cuối năm. Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm hàng hoá, ổn định giá cả, bên cạnh việc chuẩn bị thật chu đáo về nguồn hàng cung ứng, thì các sở, ngành chức năng, đặc biệt là Tổ thực hiện bình ổn thị trường (BOTT) sẽ tăng cường các chuyến đi thực tế để “mắt thấy, tai nghe” việc tổ chức triển khai hàng tết tại các doanh nghiệp (DN). Đây cũng là dịp để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc từ phía DN để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Chế biến lạp xưởng tại Công ty Vissan. Ảnh: CAO THĂNG
Về nguồn hàng, đến nay, hầu hết các DN, hệ thống phân phối tham gia chương trình BOTT của thành phố đều đã hoàn tất kế hoạch kinh doanh tết. Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) chuẩn bị 105.000 tấn hàng hóa, trị giá 3.084,2 tỷ đồng (hàng BOTT 938,2 tỷ đồng); Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) chuẩn bị 1.405,5 tỷ đồng (hàng BOTT 527,5 tỷ đồng); Công ty San Hà có kế hoạch cung ứng gà ta tăng từ 400 tấn lên 640 tấn, gà công nghiệp từ 1.890 tấn lên 2.290 tấn, vịt nguyên con 550 tấn lên 760 tấn… Ngoài lượng gia cầm tự nuôi hoặc thông qua mô hình liên kết, hợp tác với các HTX, trong trường cấp thiết San Hà có thể tăng nguồn cung từ 30%-50% so với sản lượng nêu trên. Tại nhiều DN khác như Ba Huân, Vissan, Vĩnh Thành Đạt, Phạm Tôn… cũng khẳng định, công tác phát triển tổng đàn đang có nhiều thuận lợi nên nguồn cung hàng hoá tết rất dồi dào, phong phú. Lượng trứng gia cầm chuẩn bị cung ứng cho dịp tết sẽ tăng gấp so với kế hoạch thành phố giao nên rất khó xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến.
Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ tết với số lượng tăng từ 2 – 3 lần so với tháng thường. Đối với chợ truyền thống, ban quản lý các chợ có phương án tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát về việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo kế hoạch, vào cuối tháng 11-2016, Sở Công thương TPHCM sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa với các tỉnh, thành nhằm tìm kiếm nguồn hàng đạt chuẩn an toàn, hàng đặc sản trên cả nước để kết nối đưa vào chợ truyền thống, bổ sung nguồn hàng phục vụ tết.
Bên cạnh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, ngành công thương cũng sẽ làm việc với các DN chuyên cung cấp hoa tết, bia và nước giải khát để theo dõi sát tình hình. Theo dự báo, tết năm nay nhu cầu tiêu thụ tại TPHCM sẽ đạt khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Theo thông tin từ các nhà máy bia, nhà máy sẽ không tăng giá vào dịp tết.
Về các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 18.000 tấn, sản lượng tăng từ 10% – 20%, giá không tăng so Tết Bính Thân 2016.
Nhiều giải pháp kiểm tra, giám sát thị trường
Để đảm bảo đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng với mức giá ổn định, Sở Công thương và Tổ thực hiện chương trình BOTT xác định vai trò, trách nhiệm, phân công cụ thể từng cấp, từng đơn vị thành viên nhằm triển khai đồng bộ, thực hiện quyết liệt chỉ đạo của UBND TPHCM về công tác chuẩn bị nguồn cung hàng tết. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị từ nay đến Tết Đinh Dậu 2017.
Cụ thể, Sở Công thương sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, chủ động có phương án hoặc đề xuất với các bộ – ngành có liên quan biện pháp nhằm ổn định thị trường. Chủ trì phối hợp các sở, ngành nắm chắc tình hình diễn biến thị trường, rà soát cân đối cung cầu, hỗ trợ và thực hiện các biện pháp ổn định thị trường theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ, kết nối các DN sản xuất, phân phối hàng tết tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi dự trữ hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường đến DN và tăng cường công tác kiểm tra lượng hàng cung ứng, chủ động điều phối, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến.
Phối hợp và tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các chương trình bán hàng tết, dự trữ hàng hóa BOTT, kết hợp hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN tham gia BOTT mở rộng mạng lưới phân phối đến khu vực đông dân cư, KCX-KCN, các quận ven, huyện ngoại thành nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng hóa trong chương trình cho các đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình, thấp. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tỉnh, thành lân cận, tạo điều kiện cho DN sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa liên kết với các vùng nguyên liệu, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán ở thành phố, thông qua việc hình thành 4 đoàn kiểm tra phối hợp với các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm và UBND 24 quận, huyện sẽ kiểm tra từ nay đến tết. Song song đó, Sở Công thương cũng đang gấp rút để đưa Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhìn nhận về công tác chuẩn bị hàng hóa tết, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, qua công tác khảo sát thị trường, kiểm tra các DN về khả năng cung ứng nguồn hàng, các đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, hệ thống phân phối phủ rộng… Dự báo giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tết sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng biến động về giá.
Tuy vậy, để công tác tổ chức, chăm lo tết hiệu quả, cung cầu hàng hóa đảm bảo cân đối, ổn định thị trường, Sở Công thương kiến nghị: Bộ Công thương chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành sớm xây dựng kế hoạch tết, tham gia Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2016 vào cuối tháng 11-2016 để tăng cường hoạt động trao đổi hàng hoá, đặc biệt là các loại đặc sản tết. Về phía UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện tích cực phối hợp với Sở Công thương để thực hiện Kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Đinh Dậu 2017 trên địa bàn TPHCM.
HẢI HÀ/ SGGP
Bình luận (0)